Gần ba năm sau khi thoát khỏi cuộc chiến tại Iraq, nước Mỹ lại bắt đầu một cuộc chiến mới chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Mặc dù ngọn cờ chống khủng bố của Washington quy tụ được khá đông đảo các nước đồng minh, song không có gì đảm bảo rằng cuộc chiến này sẽ sớm mang lại kết quả.
Chiến lược toàn diện mới chống IS được Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố tối 10/9 vừa qua nhằm mục tiêu "từng bước làm suy yếu và cuối cùng đánh bại" tổ chức thánh chiến cực đoan này.
Theo chiến lược trên, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch không kích có hệ thống vào các mục tiêu của IS "ở bất cứ đâu," tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng đồng minh trên bộ, nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương trong việc chống IS và viện trợ nhân đạo cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng bởi chiến sự.
Các nhà phân tích cho rằng chiến lược trên của Washington chưa toàn diện và còn nhiều điểm hạn chế. Trước hết, các cuộc không kích sẽ không thể hiệu quả khi IS chuyển sang lối đánh du kích, đồng thời không tránh khỏi gây thương vong lớn cho dân thường vô tội, qua đó kích động tư tưởng cực đoan và làm tăng thêm tâm lý chống Mỹ của người dân địa phương.
Hơn nữa, việc không kích vào sào huyệt của IS tại Syria có thể dẫn đến kết quả mà Mỹ và các nước đồng minh không mong muốn là củng cố quyền lực cho Tổng thống Bashar al-Assad.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của IS chỉ trong thời gian ngắn là bài học nhãn tiền cho các quốc gia vẫn nuôi mộng tưởng dùng giải pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Giải pháp tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng tác chiến địa phương cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các tay súng người Kurd gây quan ngại cho các nước trong khu vực hiện đang tìm mọi cách ngăn chặn cộng đồng thiểu số này tuyên bố độc lập.
Việc vũ trang cho các tay súng bộ tộc và các nhóm dân quân địa phương người Sunni để chống lại IS cũng có thể là con dao hai lưỡi, làm phức tạp thêm cuộc chiến phe phái vốn nghiêm trọng tại Iraq.
Những hệ lụy tương tự cũng có thể xảy ra tại Syria. Không có gì đảm bảo rằng một ngày nào đó các nhóm vũ trang được cho là "ôn hòa" sẽ không quay súng chống lại Mỹ và phương Tây như Taliban từng làm trước đây.
Nếu không có kế hoạch kiểm soát tốt giai đoạn hậu khủng hoảng, một kịch bản "nồi da xáo thịt" như từng diễn ra ở Libya hiện nay là điều khó tránh khỏi tại hai quốc gia này.
Bên cạnh đó, năng lực tác chiến và khả năng đoàn kết giữa các lực lượng địa phương cũng khiến dư luận hoài nghi.
Mặc dù được đầu tư hàng tỷ USD và được Mỹ trực tiếp dìu dắt trong hơn một thập kỷ qua, song quân đội Iraq đã nhanh chóng bị vỡ trận sau vài cuộc giao tranh với IS tại thành phố Mosul.
Ngoài ra, tâm lý nghi kỵ lẫn nhau và sự thù hận sắc tộc giữa người Shiite và người Sunni không dễ gì xóa bỏ trong một sớm một chiều, gây cản trở cho mặt trận thống nhất chống IS tại Iraq.
Về phần mình, phe đối lập "ôn hòa" tại Syria lại quá yếu và không đáng tin cậy. Mặc dù đã nhận được không ít sự hỗ trợ về tài chính của các nước phương Tây và Arab vùng Vịnh song các nhóm này ngày càng lép vế trước IS.
Trong khi đó, trách nhiệm của họ trong các vụ thảm sát dân thường tại Syria vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Do vậy, việc trông đợi vào lực lượng đã rệu rã này tái chiếm các vùng đất từ tay IS dường như điều không tưởng.
Trong bối cảnh đó, liên minh quốc tế và khu vực khó tìm được tiếng nói chung và toàn tâm toàn ý cho cuộc chiến chống IS do những bất đồng nội bộ gay gắt.
Vai trò của tổ chức Anh em Hồi giáo trong phe đối lập Syria sẽ là chủ đề tiếp tục gây bất hòa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar với Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập.
Sự thành tâm hợp tác của các quốc gia vùng Vịnh cũng như Thổ Nhĩ Kỳ cũng là điều đáng bàn do bàn tay của họ đã "nhúng chàm" qua việc hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho IS trong thời gian qua.
Hơn nữa, trong lúc Mỹ đang rất cần lực lượng tham chiến trên bộ, các đồng minh khu vực này lại chỉ đồng ý tham gia không kích và hỗ trợ hậu cần.
Hiện liên minh chống IS vẫn chưa thu hút được sự tham gia của các quốc gia có vai trò then chốt. Vấn đề nhạy cảm liên quan đến 49 con tin đang nằm trong tay IS khiến Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có hơn 1.000km đường biên giới với Iraq và Syria - khước từ đóng vai trò tích cực trong chiến dịch quân sự chống lại nhóm phiến quân này.
Iran và Syria lại bị gạt ra khỏi liên minh quốc tế dù có nhiều tiềm lực, kinh nghiệm, sẵn sàng hợp tác và đang ở tuyến đầu chống IS.
Khác với hai cuộc chiến năm 1991 và năm 2003 chống lại chế độ cầm quyền Iraq, trong cuộc chiến chống IS lần này, Mỹ và các nước đồng minh sẽ phải đối đầu với một tổ chức thánh chiến cực đoan, thiện chiến, được trang bị tốt, có nguồn tài chính dồi dào và thành viên đông đảo, trong đó có hàng nghìn công dân phương Tây.
Dù muốn hay không, Washington sẽ bị kéo vào hai cuộc nội chiến đang diễn ra tại Syria và Iraq, cũng như cuộc xung đột bè phái và sắc tộc trên quy mô khu vực.
Mặt trận sẽ không chỉ giới hạn ở Iraq và Syria mà cả các nước khác trong khu vực như Liban, Jordan, thậm chí tại các trung tâm đầu não của phương Tây.
Trong bối cảnh bị phân tán nguồn lực với hàng loạt hồ sơ “nóng” trên thế giới như cuộc khủng hoảng Ukraine, chính sách “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương cộng thêm những khó khăn về kinh tế, Mỹ không đủ tiềm lực để theo đuổi một cuộc chiến lâu dài và hết sức tốn kém.
Hơn nữa, "thành tích" quá khứ của Mỹ ở Trung Đông cũng như thực tế hiệu quả cuộc chống al-Qaeda của nước này suốt 13 năm qua cho thấy việc tiêu diệt hoàn toàn IS là mục tiêu quá tham vọng và khó có thể thực hiện được trong một sớm một chiều./.