Tiêu hủy số lượng lớn tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ

Các ngành chức năng Long An đã phát hiện một cơ sở nuôi tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ với hơn 7.000 con, trên diện tích khoảng 7.000m2, do ông Trương Phan Minh Thế, làm chủ.
Tiêu hủy số lượng lớn tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ ảnh 1Tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ (bố mẹ) trong diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấm nuôi. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Sáng 31/8, các ngành chức năng tỉnh Long An tổ chức tiêu hủy số lượng lớn tôm hùm nước ngọt, tôm hùm đỏ, tại phường 7, thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Trước đó, ngày 27/8, các ngành chức năng Long An đã phát hiện một cơ sở nuôi tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ với hơn 7.000 con, trên diện tích khoảng 7.000m2, do ông Trương Phan Minh Thế, làm chủ. Cơ sở nuôi được chia ra hàng trăm ao nuôi, theo dạng bể nuôi xây bằng gạch có lót nhựa, để cung cấp ra thị trường.

Việc tiêu hủy nói trên được tiến hành sau khi có kết quả xác định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) vì đây là các loài thủy sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấm.

Tôm càng đỏ hình dạng có màu xanh và tôm hùm nước ngọt có hình dạng màu đỏ là hai loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, có sức chống chịu và thích nghi cao. Khi ra ngoài môi trường, các loài này sinh sôi nhanh chóng, ăn tạp nên phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác.

[Video] Sức phá hoại đáng sợ của sinh vật ngoại lai tôm càng đỏ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, phát hiện sự việc trên, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân không nuôi tôm nước ngọt, tôm càng đỏ; đồng thời, ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Long An đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đặc điểm nhận dạng, tác hại của tôm hùm nước ngọt; Vận động người dân, doanh nghiệp không mua bán, tiêu thụ loài tôm hùm nước ngọt và khi người dân phát hiện cơ sở nuôi tập trung hoặc nhỏ lẻ, thông báo đến chính quyền địa phương, các ngành chức năng có biện pháp xử lý phù hợp. Qua đó, ngăn chặn sự phát tán loài ngoại lai, xâm hại này đối với môi trường tự nhiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục