Ngày 24/8, ứng dụng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc đã đệ đơn kiện chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến sắc lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với công ty chủ quản của TikTok là ByteDance.
Theo Tân Hoa xã, trong hồ sơ khiếu kiện gửi tới Tòa án Liên bang Mỹ, TikTok cáo buộc giới chức Mỹ tước đoạt quyền của công ty mà không có bất cứ bằng chứng nào, đồng thời khiếu nại về sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Trump nhằm hạn chế công ty này là sự lạm dụng Đạo luật Về quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế.
[Lựa chọn nào cho TikTok sau quyết định khởi kiện chính quyền Mỹ?]
TikTok cho rằng Mỹ đã bỏ qua những nỗ lực của công ty để giải quyết những vấn đề mà Washington lo ngại.
Trong đơn kiện của TikTok có nêu đích danh Tổng thống Trump, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Bộ Thương mại Mỹ.
Cũng trong ngày 24/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố bày tỏ ủng hộ các công ty của nước này, trong đó có Tiktok, sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực thi tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp nước này.
Trước đó, ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành các sắc lệnh cấm mọi giao dịch với hai công ty của Trung Quốc gồm ByteDance, chủ sở hữu TikTok, và Công ty Tencent, chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat.
Các sắc lệnh sẽ có hiệu lực trong 45 ngày. Theo Washington, TikTok là một "mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ" trong khi ByteDance cũng như chính quyền Bắc Kinh luôn bác bỏ cáo buộc trên.
Thời gian qua, Mỹ liên tục gây sức ép với các hãng công nghệ Trung Quốc vì những quan ngại về an ninh quốc gia.
Ngày 15/8, ông Trump cũng đã yêu cầu trong vòng 90 ngày, công ty ByteDance phải chuyển nhượng lợi ích trong các hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Các công ty công nghệ của Mỹ như Microsoft và Oracle được cho là đang cân nhắc khả năng mua lại TikTok tại Mỹ và một số nước khác./.