Tìm hiểu nét đẹp văn hóa ngư dân Cà Mau qua lễ hội Nghinh Ông

Lễ hội Nghinh Ông sông Đốc nhằm tôn vinh Cá Ông và cầu cho mưa thuận gió hòa, giúp ngư dân ra khơi bình an, cầu cho quốc thái dân an đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tìm hiểu nét đẹp văn hóa ngư dân Cà Mau qua lễ hội Nghinh Ông ảnh 1Lăng ông Nam Hải ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. (Nguồn: camau.gov.vn)

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau có nguồn gốc xa xưa được lưu truyền gìn giữ hàng trăm năm.

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc cũng là dịp để du khách gần xa tìm hiểu về nét đẹp văn hoá của ngư dân miền biển Cà Mau.

Theo lưu truyền trong dân gian và với nguời dân miền biển thì “Cá Ông” là một linh vật hết sức linh thiêng, là vị thần hộ mệnh cho thuyền bè đi biển. Khi sóng to gió lớn, tàu bè gặp nạn thì “Ngài” sẽ hiện lên hộ tống tàu bè đưa vào chỗ cạn, an toàn. Và ngược lại, khi Cá Ông gặp nạn, xác trôi dạt vào bờ đều được ngư dân tổ chức an táng và thờ cúng thật trang trọng.

Tại cửa biển Sông Đốc, vào năm 1925, sau khi hay tin cá Ông lụy ở Vàm Xáng, bà con ngư dân đã họp bàn cất miếu và thỉnh cốt Ông về thờ, sau đó các cụ mới tìm địa thế thuận lợi để xây lăng theo kiểu đình, miếu cổ xưa.

Qua nhiều lần di dời và tôn tạo, hiện nay lăng tọa lạc tại khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Lăng Ông Nam Hải đang trưng thờ các bộ xương cốt cá Ông trôi dạt vào bờ vào các năm 1951, 1953, 1963….

Đời vua Gia Long năm thứ tư đã sắc phong cho cá Ông là Đại Càn Nam Hải Thượng Đẳng thần mà ngư dân thường gọi là Nam Hải Đại Tướng Quân. Lăng Ông Nam Hải đã được Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật, trao bằng bảo trợ vào tháng 3 năm 2013.

[Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc trở thành Di sản văn hóa cấp quốc gia]

Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức trong ba ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch hàng năm tại cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Lễ hội được xếp vào danh sách 60 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam nhằm tôn vinh Cá Ông và cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an. Đặc biệt các ngư dân cầu xin những chuyến ra khơi được bình an và đánh bắt được nhiều tôm, cá.

Tìm hiểu nét đẹp văn hóa ngư dân Cà Mau qua lễ hội Nghinh Ông ảnh 2Tàu thuyền ra khơi tại lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc.

Phần lễ diễn ra rất trang nghiêm và tôn kính, trong đó chính lễ bắt đầu từ 13 giờ ngày 15.

Chủ lễ cùng Ban Trị sự Lăng Ông trang trọng tiến hành những nghi thức, nghi lễ truyền thống: Chánh lễ đọc văn tế, kế tiếp là lễ bái của học trò lễ, hội bà, hội ông…

Tiếp đó là lễ thỉnh lư hương lên kiệu (long đình), được 8 học trò lễ khiêng và theo hầu. Những học trò lễ được chọn thường là những nữ sinh con em ngư dân ở thị trấn Sông Đốc.

Các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí: kích, kiếm, bát xà mâu; đoàn múa mâm… ăn mặc lễ phục xếp thành hai hàng dài từ chánh điện ra tới ngoài sân. Trong lễ Nghinh Ông, đi đầu là lân, trống, tiếp theo là Long Đình, chánh chủ, chánh vạn, đại biểu các chức sắc, học trò lễ, đội cung nữ, phi tần và bà con diễu hành từ Lăng Ông qua thị trấn Sông Đốc đến cảng, lên tàu ra biển Nghinh Ông. Dân chúng đứng hai bên đường, hò reo cổ vũ, tạo nên không khí lễ hội thật náo nhiệt.

Dưới sông, hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân được trang trí cờ, hoa neo đậu, tạo ra một khung cảnh đầy màu sắc sống động cả một vùng cửa biển rộng lớn.

Tàu chủ là chiếc tàu lớn (hoặc 3 chiếc) được bầu chọn đi Nghinh Ông. Tàu trang hoàng dây cờ, băng rôn lộng lẫy. Các nghi lễ chính diễn ra trên tàu này. Các tàu ghe khác cũng trang trí đẹp và đều mong khách lên tàu mình càng đông càng vui.

Đoàn tàu xuất bến ra biển rầm rộ và sôi động cả một vùng nước. Nếu gặp Ông phun nước (Ông “dội”) thì rước Ông về ngay. Nếu không gặp thì chủ lễ đọc bài “Nguyện hương” và xin “keo,” thường là khi tàu ra tới vùng nước xanh xa bờ khoảng 5-7km. Xin được “keo” tức là đã gặp “Ông” và rước “Ông” về tàu quay về và đem những lọ nước biển trong lành về Lăng Ông thờ cúng.

Tàu về đến Vạn Lăng Ông mới tổ chức nghi thức tế lễ chính và thỉnh ông vào chánh điện an vị. Bà con và khách thập phương dâng cúng phẩm vật tại đây cho đến khuya.

Theo tín ngưỡng dân gian của ngư dân Sông Đốc, thời điểm rước Ông về Lăng là thời khắc linh thiêng nhất để mọi nhà đem hương án, gồm: nhang đèn, trái cây, gà vịt, heo quay… ra trước cửa nhà cúng lễ nhằm thể hiện lòng tôn kính “Ðức Ông Nam Hải.”

Trên những chiếc tàu chạy ra biển tham gia Nghinh Ông, khách trên tàu dù lạ hay quen cũng đều được chủ tàu mời ăn uống miễn phí. Khách du lịch Cà Mau lúc này sẽ được thỏa thích ngắm biển cả bao la, ngắm nhìn từng đoàn tàu với cờ hoa rực rở, ngắm từng đợt sóng ôm ấp mạn thuyền và được nghe các vạn chài kể về truyền thuyết Cá Ông cứu người trên biển.

Ngoài những nghi lễ truyền thống, tại Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc còn diễn ra nhiều hoạt động của phần hội như đánh cờ tướng, đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền, bóng đá… vô cùng náo nhiệt.

Lễ Hội Nghinh Ông ở Sông Đốc là một nét đẹp văn hóa cộng đồng, một ngày hội dân gian truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đậm chất tín ngưỡng của ngư dân vùng biển.

Đó là một nền văn hóa cần được gìn giữ, phát huy đưa vào khai thác để thu hút khách du lịch Cà Mau ngày một nhiều hơn. Đầu năm 2021, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các đôi bò bứt tốc về đích. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2024

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Festival Thu Hà Nội 2024

Festival Thu Hà Nội 2024

Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.