Tìm hiểu 'nghệ thuật' chi tiêu quân sự của Trung Quốc

Trung Quốc thông báo chi tiêu quân sự của nước này sẽ tăng chậm hơn so với năm ngoái, nhưng một nhà phân tích lưu ý rằng việc này không có nghĩa căng thẳng quân sự với Mỹ sẽ giảm.
Tìm hiểu 'nghệ thuật' chi tiêu quân sự của Trung Quốc ảnh 1Quân đội Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng CNBC/BBC, ngày 5/3, Trung Quốc thông báo chi tiêu quân sự của nước này sẽ tăng chậm hơn so với năm ngoái, nhưng một nhà phân tích lưu ý rằng việc này không có nghĩa căng thẳng quân sự với Mỹ sẽ giảm.

Trong cuộc họp Quốc hội thường niên, Bắc Kinh đã đặt hạn mức chi tiêu quân sự năm 2019 của nước này là 7,5%, cao hơn so với một năm trước đó, hay 1,19 nghìn tỷ nhân dân tệ (177,61 tỷ USD).

Mức này thấp hơn so với mức tăng 8,1% trong năm 2018 và thấp hơn nhiều so với những lần tăng hai con số của những năm trước đó - mặc dù lâu nay các nhà phân tích tỏ ra hoài nghi không biết liệu ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có phản ánh mức chi thực tế.

Những mức tăng chậm hơn trong chi tiêu quốc phòng không có nghĩa những căng thẳng với Washington giảm đi, ông Timothy Heath, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng thuộc Viện nghiên cứu Rand của Mỹ, cảnh báo.

Thực tế, con số tuyên bố không quan trọng bằng con số được sử dụng, ông Heath nói với hãng tin CNBC ngày 5/3.

Những tuyên bố

Ngân sách quân sự của Trung Quốc được theo dõi sát sao vì nó chứa đựng những hàm ý về ý đồ chiến lược của nước này ở khu vực và xa hơn nữa.

"Chúng tôi sẽ thực hiện chiến lược quân sự cho kỷ nguyên mới, tăng cường huấn luyện quân sự trong những điều kiện chiến đấu và bảo vệ vững chắc các lợi ích phát triển, an ninh và chủ quyền của Trung Quốc," Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại Quốc hội.

Việc Trung Quốc tăng cường các khả năng quân sự lâu nay khiến các quốc gia láng giềng lo lắng. Để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, Washington đã triển khai hàng nghìn binh sỹ đồn trú tại các căn cứ quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Heath nhận định rằng ngân sách quân sự năm nay của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nhằm tăng cường năng lực quân sự để "thách thức sức mạnh của Mỹ ở châu Á."

"Chúng ta sẽ thấy quân đội Trung Quốc được trang bị vũ khí sát thương lớn hơn, khả năng hoạt động phối hợp tốt hơn và hoạt động xa hơn", ông Heath nói. "Và chính điều này có thể sẽ làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong lĩnh vực an ninh."

[Khả năng Trung Quốc tăng mạnh ngân sách quốc phòng trong năm 2019]

Tuy nhiên, chi tiêu quân sự của Trung Quốc không thể so sánh được với Mỹ. Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ yêu cầu ngân sách quân sự khoảng 750 tỷ USD cho năm nay. Washington cũng bỏ xa Bắc Kinh trong lĩnh vực trang bị và vũ khí, chẳng hạn như số lượng tàu sân bay- nhưng Trung Quốc đang muốn thu hẹp khoảng cách này.

Ông Heath cũng lưu ý rằng Trung Quốc thúc đẩy những tham vọng quân sự trên biển, trong lĩnh vực điều khiển học và không gian vũ trụ và đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào những lĩnh vực này.

"Không còn nghi ngờ gì nữa một số khoản chi tiêu sẽ được cam kết nhằm cải thiện các khả năng tấn công và phòng thủ (của quân đội) trong lĩnh vực điều khiển học, không gian vũ trụ và nhiều lĩnh vực khác," ông nói.

Căng thẳng qua eo biển

Trung Quốc lâu nay đã gửi đi những thông điệp lẫn lộn về các tham vọng quân sự của nước này, nói rằng một mặt họ không tạo ra mối đe dọa bên ngoài nhưng liên tục tuyên bố, trong những bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, phát triển khả năng chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh.

Ông Heath nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã sử dụng ngân sách cho việc mua sắm các loại vũ khí như tàu ngầm, tàu sân bay và tên lửa.

Ông Dane Chamorro, đối tác cấp cao của hãng tư vấn chính trị kiểm soát rủi ro ở Singapore, cho rằng việc đảm bảo một số hình thức giải quyết vấn đề Đài Loan là mục tiêu quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, người luôn muốn củng cố vị thế của mình như một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước.

Trung Quốc đang đối diện với một cuộc vật lộn cam go

Theo hãng tin BBC, Thủ tướng L‎ý Khắc Cường, nhân vật lãnh đạo đứng thứ hai Trung Quốc, cảnh báo rằng nước này đang đối diện với "một cuộc vật lộn cam go" khi ông trình bày về các kế hoạch nhằm thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Khai mạc phiên họp Quốc hội thường niên, ông đưa ra dự đoán tăng trưởng năm nay là 6-6,5%, giảm xuống từ mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là 6,5%. Tuy nhiên, ông cũng nêu mức tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng cho năm nay, ở mức 7,5%.

Trung Quốc đã phải vật lộn với nền kinh tế đang chững lại và cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bắc Kinh muốn thúc đẩy chi tiêu để các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường trong nước, và cắt giảm hàng tỷ đôla thuế quan.

Trong bài phát biểu, ông nói: "Để tiếp tục phát triển trong năm nay, chúng ta sẽ phải đối diện với một môi trường đầy khó khăn, phức tạp hơn, cũng như những rủi ro, thách thức đang tăng thêm cả về số lượng lẫn quy mô. Chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cho một cuộc vật lộn cam go."

Tuy nhiên, Chính phủ sẽ "nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng các lực lượng có vũ trang luôn trung thành về mặt chính trị," ông Lý Khắc Cường nói, đồng thời nhấn mạnh về "vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng" đối với quân đội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.