Tìm hiểu vay phát triển hạ tầng từ sáng kiến 'Vành đai và con đường'

Một số nước hiện đang nghiên cứu kỹ những khoản cho vay phát triển cơ sở hạ tầng từ sáng kiến "Vành đai và con đường".
Đồng nhân dân tệ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, người ta lo ngại rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ trở thành “bẫy nợ” đối với các nước nhỏ bé hơn.

Sáng kiến này thu hút các nước nhỏ với những khoản vay dưới danh nghĩa phát triển cơ sở hạ tầng và khi không trả được nợ, cái bẫy này sẽ “túm” gọn đất đai và tài nguyên của họ.

Điều này vi phạm thông lệ quốc tế về vốn vay phát triển, đồng thời bóp nghẹt cơ hội trả nợ.

Tính đến thời điểm này, đã có 8 quốc gia rơi vào bẫy nợ nói trên.

Theo Trung tâm phát triển toàn cầu, những nước này gồm Djibouti, Tajikistan, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mongolia, Pakistan và Montenegro. Ngoài ra, các nước khác có nguy cơ là “mồi” cho bẫy nợ là Nepal, Bangladesh và Myanmar.

Ấn Độ không tham gia sáng kiến trên, song cũng không né được tác động khi các quốc gia láng giềng bị cuốn vào bẫy này. Ví dụ, Sri Lanka, khi Cảng Hambantota của nước này đã bị Trung Quốc “bắt nợ.”

Pakistan cũng ngày càng lún sâu vào bẫy này khi phải “chạy vạy” xin viện trợ hết nước này đến nước khác.

Bẫy nợ cũng quăng lưới sang cả khu vực châu Phi với các “con mồi” điển hình như Djibouti. Tiếp đó là các quốc gia nhỏ bé ở khu vực Đông Nam Á khi “gật đầu” trước các khoản cho vay phát triển của Bắc Kinh, thể hiện sự tham gia của họ đối với sáng kiến này.

Hiện xuất hiện mối lo sợ rằng khi các lãnh đạo hiện tại của các nước Đông Nam Á không còn nắm quyền thì các chính phủ kế nhiệm sẽ chìm ngập trong đống nợ khó trả. Indonesia là một ví dụ.

Bẫy nợ sẽ đẩy các quốc gia Đông Nam Á vào khủng hoảng tài chính và khiến họ không thể tự xoay vốn cho chính các dự án phát triển của mình.

Vốn vay của Trung Quốc được coi là mưu đồ nhằm mở rộng cánh tay nối dài về kinh tế của Bắc Kinh ở khu vực Đông Nam Á. Gánh nặng nợ nần gia tăng sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc chi phối các nước mắc nợ về thương mại và đầu tư.

Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến quá trình thực dân hóa của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế đối với các nước nhỏ bé và yếu kém hơn.

Khi ấy, Ấn Độ sẽ gặp thách thức không nhỏ khi muốn tăng cường mối quan hệ đầu tư và thương mại với các nước láng giềng cũng như các nước ASEAN.

[Tương lai trúc trắc của sáng kiến Vành đai và Con đường]

Hiện New Delhi đang có đại dự án về phát triển Đông Bắc thông qua phát triển kết nối với láng giềng và các nước ASEAN.

Bẫy nợ của Trung Quốc đồng nghĩa với việc các nước nhỏ bé như láng giềng của Ấn Độ và các nước yếu trong ASEAN mất đi chủ quyền của mình. Nợ đang trở thành tài sản cầm cố thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc.

Ngoài việc mất các cơ hội thương mại, vấn đề này cũng tạo ra quan ngại an ninh. Ví dụ, việc chuyển đổi quyền sở hữu Cảng Hambantota của Sri Lanka cho Trung Quốc đã gây quan ngại an ninh đối với New Delhi. Cảng này được cho là có khả năng được Bắc Kinh sử dụng làm căn cứ quân sự của mình.

Chính vấn đề bẫy nợ này đã khiến Ấn Độ tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), vốn gồm 10 nước ASEAN và 6 nước khác (Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, New Zealand và Ấn Độ).

Dự kiến RCEP sẽ ra đời trước cuối năm 2018. Trong bối cảnh vai trò của Trung Quốc chiếm ưu thế trong RCEP, Ấn Độ lo ngại rằng quá trình thực dân hóa về thương mại của Bắc Kinh sẽ cản trở sự mở rộng quan hệ thương mại của New Delhi trong RCEP.

Gánh nặng nợ nần gia tăng sẽ làm gia tăng nguy cơ dễ bị tổn thương của Ấn Độ trong khối thương mại trên. Thay vì gặt hái được lợi thuận, gánh nặng nợ nần của các nước nhỏ trong ASEAN sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với Ấn Độ.

Một thị trường nhập khẩu lớn sẽ mở ra cho Trung Quốc và các nước đối tác bị thực dân hóa (chứ không phải cho Ấn Độ) và tác động lan tỏa sẽ có thể là “họa vô đơn chí” đối với New Dehli.

Nói cách khác, Trung Quốc và các nước bị mắc nợ sẽ là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi trong khối thương mại này. Giới doanh nghiệp Ấn Độ lo sợ rằng các nước mắc nợ sẽ đem lại một cơ chế mới để Trung Quốc vơ vét lợi ích hoặc có được những nhượng bộ về thuế quan thông qua “cửa sau.”

Trong khi đó, Ấn Độ thường không đưa ra nhiều cơ hội về nhượng bộ thuế đối với Trung Quốc vì New Delhi không có hiệp định thương mại song phương nào với Bắc Kinh.

Theo các kết quả đàm phán RCEP, Ấn Độ chấp nhận giảm thuế ở ba cấp độ. Cấp độ 1 là lớn nhất với mức giảm thuế quan lên đến 80% cho hàng hóa trao đổi với các nước ASEAN. Mức thứ 2 là 62,5% cho Nhật Bản và Hàn Quốc và mức thứ 3 là 42,5% cho Trung Quốc, Australia và New Zealand.

Trước kia, có ý kiến nhận định rằng cấu trúc cắt giảm thuế quan 3 cấp này sẽ giúp chặn xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ theo cơ chế của RCEP.

Tuy nhiên, một nhà phân tích hiểu rõ vấn đề cho rằng số lượng các nước mắc nợ Trung Quốc gia tăng trong khối thương mại này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc có thêm thời gian để thâm nhập thị trường Ấn Độ bằng cửa sau.

Các quốc gia mắc nợ sẽ bị ép phải mở cửa cho đầu tư Trung Quốc một cách tự do hơn, sau khi mất đi lợi thế mặc cả và khi ấy giúp Trung Quốc tăng cường xuất khẩu thông qua các nước này.

Trong khi đó, Ấn Độ là nước tiêu dùng lớn nhất trong khối thương mại này. Rốt cục, Ấn Độ sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là ngay cả những hàng hóa nhạy cảm - như hàng điện tử - vốn không nằm trong những nhượng bộ cắt giảm thuế quan từ phía Trung Quốc theo RCEP, sẽ tìm đường để thâm nhập vào thị trường Ấn Độ thông qua các nước mắc nợ Trung Quốc.

Điều này sẽ hủy hoại công nghiệp trong nước và Ấn Độ sẽ chứng kiến sự gia tăng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục