Nguồn gốc của đồ sắt Morioka bắt nguồn từ đầu thế kỷ 17, khi trà rất phổ biến và lãnh chúa vùng Nambu đã mời những người làm ấm trà từ Kyoto đến làm ấm trà.
Sau đó, kỹ thuật chế tác đồ sắt Nambu được quảng bá là một trong những ngành công nghiệp chính của vùng và họ cũng bắt đầu sản xuất các mặt hàng để sử dụng hàng ngày, được phân phối trên khắp cả nước.
Tayama Studio Inc. được ông Takahiro Tayama thành lập vào năm 2013. người cha của ông là ông Kazuyasu Tayama được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi công nhận là "Thợ thủ công bậc thầy đương đại" với tư cách là một thợ thủ công truyền thống làm đồ sắt Nambu.
Vào năm 2019, Tayama Studio đã phát triển ấm sắt Akai Ringo, cố tình giảm thiểu các quy trình trang trí để ngay cả những nghệ nhân trẻ cũng có thể tham gia vào mọi bước tạo ra sản phẩm.
Theo ông Tayama, “bằng cách để một cá nhân tự thực hiện từng bước của quy trình, họ có thể thấy được toàn cảnh. Có thể làm việc trong khi hiểu được ý nghĩa của từng bước trong quy trình và có được các kỹ năng cần thiết có lẽ phù hợp hơn với thế hệ trẻ."
Có 50 đến 60 bước trong quy trình tạo ra đồ sắt Nambu và tùy thuộc vào xưởng, có thể có tới 100 bước.
Nambu ở Iwate là thủ phủ của cây sơn mài vì vậy một đặc điểm của đồ sắt Nambu là các sản phẩm được phủ bằng lớp sơn mài ở khâu nhuộm màu cuối cùng.
Theo truyền thống, khi đào tạo để trở thành nghệ nhân, người học việc sẽ cần học từng bước hoàn chỉnh trước khi chuyển sang học bước tiếp theo và có thể mất hàng thập kỷ trước khi một nghệ nhân có thể tự mình thực hiện tất cả các bước.
Tuy nhiên, với những ý tưởng hiện đại về công việc, thế hệ trẻ ngày càng không muốn tuân theo các phương pháp đào tạo cũ.
Đề cập đến điểm độc đáo của Nambu, ông Takahiro Tayama, Chủ tịch Tayama Studio, cho rằng xét về lịch sử, sự khởi đầu của loại ấm này là lãnh chúa sử dụng để đun nước dùng cho pha trà. Vì vậy nếu không làm một cách hoàn hảo thì sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ từ lãnh chúa. Điều quan trọng là loại đồ dùng này phải được chế tác với kỹ thuật cấp độ cao.
Khi nói đến đồ sắt của vùng Nanbu, mọi người sẽ nghĩ đến những sản phẩm được hoàn thiện tốt đến từng chi tiết nhỏ và thậm chí còn hoàn thiện nó ở những nơi không thể nhìn thấy. Nói cách khác trình độ kỹ thuật cao là điều làm cho sản phẩm này trở nên độc đáo.
Hiện tại loại ấm này đang được ưa chuộng vì vậy danh sách chờ phải tám tháng. Trên thực tế, có những sản phẩm đồ sắt Nanbu rẻ hơn, đó là những sản phẩm làm bằng máy có giá khởi điểm khoảng 10.000 yen, nhưng Akai Ringo được làm hoàn toàn bằng thủ công từng chiếc một, nên mặc dù nói là rẻ, nhưng chúng vẫn có giá nhất định.
Hiện tại loại ấm này được bán với giá 44.000 yen (8 triệu VND). Loại ấm được sản xuất hàng loạt có thể hơi nặng trong khi các sản phẩm thủ công nhẹ hơn và dễ sử dụng hơn.
Thời gian làm một chiếc ấm Akai Ringo, nếu từ thiết kế cho đến khi hoàn thiện sản phẩm thì mất khoảng 3 tháng. Nếu sản phẩm có thiết kế đặc trưng, thì riêng khâu thiết kế có khi đã kéo dài từ 6 tháng đến một năm.
Theo ông Takahiro Tayama, đây là mức giá tương đối phải chăng cho các sản phẩm thủ công.
Ông Takahiro Tayama trước đây làm việc trong bộ phận tiếp thị tại một công ty bên ngoài tỉnh Iwate, nhưng đã trở về quê hương Morioka sau trận Đại động đất Đông Bắc Nhật Bản năm 2011. Học nghề từ cha mình, ông đã học cách làm ấm sắt.
Tayama Studio phát triển các sản phẩm phù hợp với lối sống hiện đại và tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Công ty đặc biệt chú trọng vào việc đào tạo những nghệ nhân trẻ.
Ông cho biết đồ sắt Nambu là nghề thủ công được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và tồn tại cho đến ngày nay. Điều quan trọng là những người trẻ tuổi phải học về giá trị này và học về kỹ thuật của ngành nghề truyền thống này.
Vì vậy, ông đã cố gắng truyền đạt trên các phương tiện truyền thông về công việc này.
Những người thợ trong xưởng của ông đều đang ở độ tuổi 20. Đây là những người đã tìm kiếm trên Internet một công việc mà họ thực sự thích thú và họ đã tìm thấy các bài viết của ông Takahiro Tayama. Họ đã liên hệ với ông, nói rằng thực sự muốn làm đồ sắt Nambu, và bây giờ những thanh niên đó đang làm việc chăm chỉ với tư cách là những người thợ thủ công ở Tayama Studio.
Ông cho rằng điều quan trọng là phải chủ động quảng bá và ông đang thực hiện điều này một cách trực tiếp. Điều đó giải thích cho việc tại sao xưởng thu hút được nhiều thanh niên đến làm việc.
Chị Segawa Nana, công nhân tại xưởng Tayama Studio cho biết từ nhỏ, chị đã có sở thích tự tay chế tạo ra đồ vật gì đó.
Quê hương của chị là Morioka, tỉnh Iwate và chị đã tìm thấy nghề thủ công này với kỹ thuật chế tác đồ sắt Nanbu nổi tiếng. Chị muốn thử thách bản thân mình với công việc làm ra ấm đun nước bằng sắt độc đáo này.
Có một điều đặc biệt nữa khiến chiếc ấm này trở nên được ưa chuộng, đó là hương vị đặc biệt của nước khi được đun sôi bằng ấm Akai Ringo. Đồ sắt Nambu nổi tiếng với khả năng tăng hương vị của nước. Nếu so sánh hai tách trà hoặc cà phê, một tách pha bằng nước từ ấm sắt Nambu, tách dùng nước từ ấm Nambu sẽ có hương vị và mùi thơm đậm đà hơn. Loại ấm này cũng được cho là có lợi ích cho sức khỏe vì cơ thể sẽ hấp thu được lượng ion sắt được hòa vào nước trong quá trình đun sôi.
Ấm đun nước bằng sắt Akai Ringo Nambu là một phiên bản hiện đại hóa của đồ sắt truyền thống Nhật Bản.
Tayama Studio đã tạo ra một thiết kế bóng bẩy mô phỏng theo hình dạng của một quả táo và phù hợp với bất kỳ nhà bếp hiện đại nào.
Ngoài ra, dự án Akai Ringo, nhằm mục đích đào tạo những người thợ thủ công trẻ, cho phép truyền thống đồ sắt Nambu tồn tại và phù hợp với thế hệ trẻ ngày nay./.
Tỉnh Iwate - thủ phủ sản xuất sơn mài của Nhật Bản
Sơn mài được sử dụng làm sơn tại Nhật Bản từ thời cổ đại. Tỉnh Iwate là địa phương sản xuất sơn mài lớn nhất nước này.