Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), việc tìm kiếm một mô hình xử lý nợ xấu phù hợp với Việt Nam đã được đặt ra từ năm 2011 khi bắt đầu có dấu hiệu cảnh báo mức nợ xấu tăng cao của hệ thống ngân hàng.
Vấn đề trở nên cấp bách hơn trong những năm tiếp theo khi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp suy giảm và xử lý nợ xấu không còn là chuyện của riêng ngành ngân hàng.
Theo lộ trình tái cấu trúc nền kinh tế mà tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là trọng tâm, tháng 3/2012, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” trong đó có đề cập các biện pháp xử lý nợ xấu. Chặng đường hơn 2 năm đã đi qua, mặc dù đã đã có nhiều nỗ lực cải thiện, nhưng câu chuyện xử lý nợ xấu dường như vẫn là nỗi ám ảnh của nền kinh tế.
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng Tám mới đây, Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh xử lý nợ xấu thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao. Do vậy, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. “Liệu pháp” nào để xử lý nhanh nợ xấu một lần nữa lại được đặt ra quyết liệt khiến dư luận cũng như các nhà quản lý trăn trở.
TTXVN xin giới thiệu loạt bài “Tìm mô hình xử lý nợ xấu phù hợp cho Việt Nam” với hy vọng sẽ mang lại góc nhìn đa chiều về vấn đề này.
Bài 1: Tìm căn nguyên “bệnh” nợ xấu
Nợ xấu đang là điểm nghẽn lớn của nền kinh tế. Việc xử lý “cục máu đông” này đang là nhiệm vụ ưu tiên, đòi hỏi cần tập trung trí tuệ và nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để điều trị hiệu quả căn bệnh này, việc đầu tiên là “bắt bệnh” để từ đó mới có thể “kê đơn, bốc thuốc.”
Từ yếu tố kinh tế vĩ mô…
Theo số liệu mới nhất mà Ngân hàng Nhà nước công bố, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2014 là 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013.
Lý giải nguyên nhân nợ xấu gia tăng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, vì vậy khi tới hạn trả nợ, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, dẫn đến số nợ xấu tăng lên.
Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết nợ xấu tăng một phần là do việc thực hiện Thông tư 09/2014/TT-NHNN về việc phân loại dự phòng rủi ro và phân loại nợ, theo đó các tổ chức tín dụng phải thực hiện quy trình cơ cấu lại, phân loại nợ với phạm vi rộng hơn.
Cụ thể, theo quy định cũ, các tổ chức tín dụng chỉ đánh giá nợ xấu tính trên dư nợ cho vay, nhưng theo quy định mới thì cả khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng phải xếp hạng nợ vì vậy nợ xấu mới gia tăng.
Nhìn lại năm 2012, khi nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước đưa lên mức báo động, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã lý giải: từ cuối năm 2008, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên môi trường kinh doanh trong nước gặp rất nhiều trở ngại.
Những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã làm cho chất lượng tín dụng suy giảm và nợ xấu tăng nhanh. Đặc biệt, Thống đốc nhấn mạnh từ năm 2011, tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, thị trường bất động sản đóng băng, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút làm cho tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chậm lại đáng kể.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành , Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, khi kinh tế suy giảm thì sự khó khăn đó cũng phản ánh vào tài sản của doanh nghiệp, các khoản doanh nghiệp vay ngân hàng cũng khó có khả năng trả nợ là điều tất yếu và nợ xấu gia tăng.
“Việc suy thoái kinh tế tự nó lại làm suy giảm tổng cầu và các hoạt động kinh tế khiến việc phục hồi sức mạnh của hệ thống ngân hàng-tài chính càng khó diễn ra. Đôi khi sự yếu kém của nền kinh tế lại làm gia tăng mức độ trầm trọng của các khoản nợ xấu và do đó, tiếp tục xói mòn độ lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Điều này tạo ra một 'vòng luẩn quẩn' mà cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế cùng không thoát ra được,” Giám đốc VEPR nhấn mạnh.
... đến bản thân các tổ chức tín dụng
Bên cạnh yếu tố vĩ mô thì chất lượng quản lý của bản thân các tổ chức tín dụng, chất lượng thẩm định khoản vay kém cũng là những nguyên nhân gây ra nợ xấu.
Tại thời điểm nợ xấu ở mức báo động, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thẳng thắn thừa nhận, công tác quản trị, điều hành hoạt động tín dụng của một số tổ chức tín dụng còn bất cập. Cụ thể như việc thẩm định, quyết định cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, giám sát tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng chưa tuân thủ đúng quy định.
Công tác phân tích, đánh giá, phân loại khách hàng, lĩnh vực kinh doanh chưa sát với thị trường để có biện pháp ứng xử kịp thời. Việc đánh giá tài sản đảm bảo cao hơn giá trị thực tế, nhận tài sản đảm bảo không đầy đủ tính pháp lý, có tranh chấp dẫn tới tình trạng khó xử lý, phát mại hoặc phát mại được thì giá trị thu hồi thấp.
Theo thạc sỹ Hồ Thanh Xuân, Bảo hiểm tiền gửi Chi nhánh khu vực Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu cao là công tác thẩm định cho vay của các tổ chức tín dụng không kỹ lưỡng, cũng như không nghiêm ngặt.
Trong quá trình thẩm định trước khi cho vay, có trường hợp quan hệ cá nhân có ảnh hưởng nhất định, vì vậy có hiện tượng buông lỏng công tác thẩm định, không đánh giá một cách toàn diện, chính xác những rủi ro của khoản vay, thiếu hiểu biết đầy đủ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại cũng như tương lai.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) là một minh chứng cụ thể. Trong kết quả kiểm toán năm 2012 được Kiểm toán Nhà nước công bố cuối tháng Bảy vừa qua, Agribank là ngân hàng có nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, tiềm ẩn rủi ro và khó thu hồi vốn.
Những số liệu của Kiểm toán Nhà nước công bố đã cho thấy những hạn chế trong quản lý điều hành của nhà băng này. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc cùng với cơ quan công an khởi tố một số nguyên lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này với các tội danh liên quan đến trách nhiệm quản lý.
Cùng với đó, một số tổ chức tín dụng áp dụng chiến lược tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi năng lực quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế và chậm được cải thiện dẫn đến nợ xấu tăng nhanh hơn dư nợ tín dụng.
Thực tế đã chứng minh, trong giai đoạn tăng trưởng nóng, các lĩnh vực bất động sản và chứng khoán đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư, một phần vì độ mở khá lớn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. “Bong bóng” đã vỡ sau đó theo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khiến nhiều món nợ vay “khủng” bị mắc kẹt đến ngày nay. Việc thiếu định hướng để chạy theo lợi nhuận trước mắt khiến hệ thống ngân hàng lâm vào thế khó, tiềm ẩn rủi ro cao theo biến động của thị trường tài chính.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành nhận định, khi nợ xấu tăng quá mức sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới điều kiện kinh tế vĩ mô và bản thân các ngân hàng. Nợ xấu khi vượt quá ngưỡng cảnh báo nếu không có các biện pháp xử lý nhanh sẽ triệt tiêu vai trò trung gian dẫn vốn của hệ thống tài chính trong nền kinh tế, dẫn đến suy thoái kinh tế kéo dài. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của Việt Nam trong điều kiện hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, cản trở nên quá trình này đòi hỏi huy động nguồn lực từ bên ngoài hệ thống ngân hàng./.