Tìm kiếm nhà làm phim tài liệu kể chuyện bảo tồn gấu, thiên nhiên

Người được chọn tham gia dự án sẽ nhận khoản hỗ trợ 185 triệu đồng, có cơ hội tham gia các liên hoan phim quốc tế, góp tiếng nói khẳng định giá trị của thiên nhiên và công tác bảo tồn thiên nhiên.
Hươu chuột (cheo leo lưng bạc) hiện chỉ được ghi nhận duy nhất tại Việt Nam, là loài hiếm rất cần được bảo tồn. Ảnh chụp ngày 19/5/2018. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Dự án sản xuất phim tài liệu sinh thái 2021-2022 do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD), Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt (Four paws Việt) phối hợp với Viện Goethe vừa chính thức được khởi động sáng 15/10.

Dự án nhằm tìm kiếm những nhà làm phim tài liệu thực hiện những bộ phim chuyển tải được những câu chuyện ý nghĩa, những nỗ lực về bảo tồn thiên nhiên của hai tổ chức CCD và Four paws Việt.

Theo ban tổ chức, các chuyên gia vốn chỉ biết thực hiện công tác bảo tồn và không có nhiều kỹ năng để kể ra một câu chuyện hay nên cần sự tham gia của các nhà làm phim có tâm huyết. Vì vậy, Viện Goethe sẽ hỗ trợ về kinh phí làm phim, cụ thể là 7.000 Euro (tương đương 185 triệu đồng) cho các dự án cũng như mở ra cơ hội quảng bá, tham gia liên hoan phim quốc tế cho các nhà làm phim.

[Bảo vệ động vật hoang dã: Hãy bắt đầu bằng 'sự lựa chọn sáng suốt']

Thông qua dự án này, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển CCD đặt ra mục tiêu truyền tải thực trạng môi trường, những khó khăn, nỗ lực trong công tác nghiên cứu bảo tồn môi trường cùng với đó là phát triển bền vững cho cộng đồng người dân còn khó khăn, nâng cao tính giáo dục về môi trường.

“Xưa kia thiên nhiên của chúng ta tươi đẹp như vậy, nhưng đến nay cái gì cũng trở thành hiếm. Loài vật nào sống trong hoang dã cũng có thể bị xếp vào sách đỏ,” Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc CCD chia sẻ. Đây cũng là một trong những khó khăn của những người làm công tác bảo tồn khi tìm đối tượng nghiên cứu.

Còn đối với Four Paws Việt (chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức quốc tế bảo tồn động vật hoang dã Four Paws), câu chuyện mà tổ chức này muốn dựng thành phim sẽ xoay quanh Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.

Các bộ phim sẽ xoay quanh những cá thể gấu từng được cứu thoát trong nạn buôn bán động vật hoang dã, nuôi nhốt trái phép hoặc nuôi nhốt lấy mật. Một chủ đề có thể làm thành phim xoay quanh những câu chuyện, tâm sự của những người chăm sóc gấu tại cơ sở bảo tồn.

Một cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép được chuyển giao cho Cơ sở bảo tồn gấu tại Ninh Bình. (Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN)

Ben tổ chức cũng cho hay các chuyên gia tư vấn cho dự án gồm có Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Như Vũ, nguyên là Quyền Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương, các đạo diễn Phan Đăng Di và Nguyễn Lê Hoàng Việt. Mỗi giám khảo đều có chuyên môn và kinh nghiệm dày dạn ở lĩnh vực điện ảnh nói chung hoặc phim tài liệu nói riêng.

Các chuyên gia nhận định phim tài liệu trong nước vốn vẫn có tiếng nói và giá trị riêng, được khẳng định qua nhiều giải thưởng lớn như Cánh diều vàng, Bông sen vàng... song chưa thực sự thu hút một lượng đủ lớn khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Trong khi đó, thể loại phim tài liệu ở nước ngoài lại được đánh giá cao hơn và "săn đón" nhiều hơn. Trên cơ sở đó, các thành viên ban giám khảo nhận định dự án được sẽ là một là cơ hội tốt giúp khắc phục tình trạng này cũng như góp phần nâng tầm cho các nhà làm phim tài liệu Việt Nam thông qua việc quảng bá các bộ phim ra cộng đồng quốc tế.

Theo yêu cầu của ban tổ chức, bộ phim tài liệu có độ dài tối thiểu 24 phút, tối đa 30 phút cùng với ít nhất 15 ảnh cho mục đích truyền thông. Phim phải có chất lượng hình ảnh tốt, độ phân giải full HD, làm nổi bật chủ đề tôn trọng con người động vật, sự thật, không có những câu chuyện bịa đặt hay hình ảnh sắp đặt.

Nhà làm phim có mong muốn tham gia sẽ gửi hồ sơ về hòm thư của Viện Goethe trước 23 giờ 59 phút, thứ Sáu ngày 24/11/2021. Sau khi có kết quả hồ sơ và đào tạo trong tháng 12/2021, thời gian bắt đầu sản xuất phim sẽ diễn ra từ tháng Một đến tháng 8/2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục