Vướng mắc về nguồn vốn là nguyên nhân cơ bản khiến dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chậm hơn 10 tháng so với kế hoạch tổng thể.
Đây cũng là vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất đối với các thành viên Ban chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Ban chỉ đạo 896), được đề cập tại cuộc họp chiều 27/1, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo 896.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 896, Bộ Công an đã xây dựng Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát dự án khả thi cũng như các vấn đề về vốn và chủ động tìm một số đối tác thực hiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thực hiện nhiệm vụ, Bộ Công an đã nhiều lần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thảo luận tìm giải pháp về vốn.
Tuy nhiên, việc tìm nguồn vốn cho Dự án gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn dự kiến xây dựng lớn, thủ tục thực hiện mất nhiều thời gian nên Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến nay vẫn chưa được phê duyệt và triển khai xây dựng, điều này khiến nảy sinh tâm lý băn khoăn đối với sự thành công của Đề án.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo, tiến độ xác định nguồn vốn và phê duyệt Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay đã chậm hơn 10 tháng so với Kế hoạch tổng thể.
Việc phê duyệt Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải thực hiện muộn nhất trong tháng 3/2015 bởi thời gian xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tính từ thời điểm phê duyệt Dự án khả thi đến khi hoàn tất để có thể nhập được thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu phải trải qua rất nhiều bước như xây dựng thiết kế chi tiết; lập hồ sơ, tổ chức đấu thầu và tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong trường hợp xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tổng thời gian xây dựng tối thiểu là 12 tháng. Trong đó, việc thực hiện các thủ tục để đấu thầu và lựa chọn nhà thầu sau khi Dự án khả thi được phê duyệt tối thiểu là 6 tháng, thời gian xây dựng phần mềm tối thiểu là 6 tháng.
Trường hợp sử dụng nguồn vốn ODA, thời gian xây dựng tăng thêm tối thiểu 6 tháng do phải thực hiện các thủ tục về quy trình quản lý các chương trình, dự án ODA gồm xây dựng và phê duyệt danh mục tài trợ, chuẩn bị, thẩm định, phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, ký kết điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi. Như vậy, nếu phê duyệt vào tháng 3/2015 thì ít nhất đến tháng 3/2016 mới có thể hoàn thành việc xây dựng và bắt đầu nhập dữ liệu về công dân.
Bên cạnh đó, do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tiền đề để triển khai các nhiệm vụ kỹ thuật khác nên nếu Dự án khả thi được phê duyệt muộn hơn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các nội dung khác, đặc biệt ảnh hưởng đến thời điểm triển khai cấp số định danh cá nhân (được xác định trong Đề án 896 và tính từ thời điểm Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch có hiệu lực là 01/01/2016).
Liên quan đến vấn đề nguồn vốn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng trong điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay, không thể có vốn để thực hiện Dự án, cần tìm giải pháp khác phù hợp hơn. Rất nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề sẵn sàng tham gia vào dự án.
Việc thuê hạ tầng công nghệ thông tin bên ngoài có thể hạ thấp suất đầu tư và điều quan trọng là sẽ bớt đi thời gian phê duyệt dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cũng theo kiến nghị của Thứ trưởng, từ nay, các dự án đầu tư của Nhà nước trước khi xem xét cấp vốn cần để cho khu vực ngoài Nhà nước tham gia trước, chỉ khi không xã hội hóa được, Nhà nước mới bỏ vốn.
Đây cũng là quan điểm chung của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Đỗ Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khi cho rằng cần hạn chế nhất nguồn chi ngân sách, xã hội hóa là cách làm nhanh nhất, hiệu quả nhất và không lúng túng trong xử lý sự cố.
Thứ trưởng Trương Chí Trung khẳng định nếu không có lý do riêng về bảo mật hay an ninh quốc gia, cần theo quyết định xã hội hóa, huy động nguồn lực doanh nghiệp viễn thông bên ngoài.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho rằng thuê dịch vụ công nghệ thông tin càng nhanh càng hiệu quả, Cơ sở dữ liệu dân cư không thể không làm, nếu không làm lãng phí càng lớn.
Theo ông Sinh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý 64 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân, sẽ còn hơn 30 triệu người nữa tham gia. Nếu cơ quan này phải tự làm, sẽ mất 300 tỷ đồng, lãng phí xã hội là rất lớn bởi có đến 6 trường thông tin kê khai trùng trong tổng số 14 trường thông tin được thu thập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với Đề án 896, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính tìm nguồn vốn xây dựng Cơ sở dữ liệu này, cần làm rõ thuê ngoài dịch vụ hay lấy từ vốn nhà nước.
Việc tháo gỡ nguồn vốn để phê duyệt Dự án khả thi là việc cấp thiết cần làm ngay. Nếu xã hội hóa được trên tinh thần đảm bảo an ninh nên triển khai. Không nên vì không tìm được nguồn vốn mà Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải dừng lại, sẽ kéo theo nhiều nhiệm vụ không thực hiện được.
Về mốc thời gian để thực hiện rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành rà soát trong năm 2015, để đến đầu 2016 trình Chính phủ có Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.
Năm 2015 phải rà soát cẩn thận toàn bộ hơn 2.700 thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin công dân tại tất cả các lĩnh vực tại hơn 600 văn bản cần rà soát để đưa ra phương án đơn giản hóa.
Phó Thủ tướng nêu rõ những tư tưởng chủ đạo của Đề án 896 đã được thể hiện trong Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành là rất quan trọng, cần được xây dựng trong năm 2015, nhất là những quy định cụ thể về việc quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng, thu thập, cập nhật thông tin công dân, khai thác, chia sẻ thông tin và việc kết nối với Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cấu trúc của số định danh cá nhân, việc cấp số định danh.
Việc tổ chức thu thập thông tin cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải trên tinh thần đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, việc thu thập phải tận dụng tối đa các nguồn thông tin quản lý sẵn có đã được lưu trữ, thông qua tàng thư căn cước công dân, qua hệ thống thông tin lưu trữ về hộ tịch, về bảo hiểm xã hội, đất đai, phải hạn chế tối đa việc làm phiền nhân dân trong quá trình thực hiện. /.