Qua theo dõi nghiệp vụ, lực lượng công an xác định thời gian gần đây có sự dịch chuyển của đối tượng hoạt động "tín dụng đen," "xã hội đen" từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam, đặc biệt tập trung ở vùng ven thành phố lớn, khu vực các tỉnh miền Tây để né tránh sự quản lý của cơ quan chức năng, nhắm vào người thiếu hiểu biết về pháp luật.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo, giao lưu trực tuyến “Nhận diện tín dụng đen và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn” do Báo Công an nhân dân, Cục Truyền thông (X04-Bộ Công an) tổ chức ngày 13/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ đoạn tinh vi
Theo Thượng tá Lại Quang Huấn, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, tín dụng “đen” là hành vi cá nhân, tổ chức cho vay với lãi suất cao bằng nhiều thủ đoạn.
Người vay không thể trả nợ sẽ bị các đối tượng “xã hội đen” gây áp lực để đòi nợ, tạo bức xúc trong xã hội thời gian gần đây.
Thượng tá Huấn đánh giá để dụ dỗ người dân, những đối tượng này sử dụng các thủ đoạn rất tinh vi như thông qua hình thức từ phát tờ rơi, treo áp phích nơi công cộng (trên cây, bờ tường, cột điện, tủ điện... dọc các tuyến đường, ngõ hẻm)...
Cũng cũng sử dụng mạng xã hội hoặc núp bóng dưới hình thức cửa hàng cầm đồ, công ty tư vấn đầu tư, dịch vụ tài chính... với những quảng cáo “kết nối khách hàng-ngân hàng," hỗ trợ vay vốn, cho vay tiêu dùng, hình thức cho vay không cần thế chấp hoặc chỉ cần cầm giấy tờ xe máy, bằng lái xe, thẻ sinh viên...
Các đối tượng thường nhằm vào những người có kinh tế khó khăn, trình độ thấp, thiếu hiểu biết hoặc con bạc, đôi khi là người có khó khăn đột xuất.
Việc không hiểu về cách tính lãi suất lập lờ khiến con nợ rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con," tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc.
[Thanh Hóa: Chất vấn giám đốc công an tỉnh về hoạt động tín dụng "đen"]
Thậm chí, tinh vi hơn, một số đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để cho vay nặng lãi thông qua hợp đồng giả cách mua bán tài sản, cho thuê tài sản nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu người đi vay không trả được nợ có thể dùng hợp đồng giả để tố cáo ngược tại cơ quan công an.
Khi người vay tiền không có khả năng trả nợ hoặc trả nợ không đúng hạn các đối tượng “đầu gấu, xăm trổ” thường xuyên xuất hiện tại địa bàn khu dân cư, đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân, gia đình “con nợ” để đe dọa, đòi thanh toán tiền lãi, nợ gốc.
Có trường hợp đối tượng mang quan tài, vòng hoa, dán cáo phó... để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, tạo tâm lý hoang mang, lo ngại trong quần chúng nhân dân.
Tăng cường đấu tranh
Thượng tá Lại Quang Huấn cho biết, lực lượng công an đã chủ động tăng cường công tác trao đổi thông tin giữa địa phương đến-địa phương đi của đối tượng lưu động nhằm nắm tình hình, di biến động và biểu hiện hoạt động của đối tượng để có biện pháp phòng ngừa, quản lý, đấu tranh hiệu quả.
Những đối tượng hoạt động cho vay, đòi nợ thuê đều được cơ quan công an rà soát, lập hồ sơ nghiệp vụ quản lý theo dõi. Tuy nhiên, việc phát hiện hành vi vi phạm cụ thể của các đối tượng này cũng khó khăn khi bản thân người bị hại và người vay tiền vì quá sợ hãi không trình báo cơ quan công an, từ đó gây nhiều khó khăn cho công tác thu thập, củng cố tài liệu để xử lý đối tượng.
Thượng tá Huấn cho biết thêm Bộ Công an hiện đang tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen."
Bên cạnh đó, Bộ Công an giao nhiệm vụ cho Công an các tỉnh, thành chủ động tham mưu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện nội dung: chỉ đạo các nhà mạng viễn thông phối hợp xác minh, thu hồi, tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với những số thuê bao quảng cáo không đúng quy định, không chính chủ (sim rác); tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân quy định của pháp luật về văn hóa, quảng cáo, tổ chức dọn dẹp, tháo dỡ biển hiệu, băng rôn, tờ rơi... quảng cáo cho vay không đúng quy định; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quảng cáo trái phép.
Thời gian tới, đặc biệt là khoảng thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán, Bộ Công an đang triển khai kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Trong đó tập trung tổng rà soát tiệm cầm đồ, công ty cho vay tài chính (có phép và không phép) để từ đó phân công, phân cấp quản lý, đấu tranh, phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương, các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động cơ sở vi phạm.
Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cũng kêu gọi người dân phải cảnh giác, nếu gặp trường hợp “tín dụng đen” cần bình tĩnh, hợp tác và tố cáo với cơ quan Công an thì cơ quan chức năng mới có cơ sở điều tra, xử lý.
Ngoài ra về ý kiến của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cấm dịch vụ đòi nợ thuê, Thượng tá Huấn nhận định theo quan điểm cá nhân ông thì không cần cấm nhưng phải có quy định chặt chẽ để kiểm soát, xử lý Công ty hoạt động trá hình, thu hồi giấy phép hoặc xử lý hình sự nếu đủ chứng cứ.
Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết ngành ngân hàng sẽ cố gắng cải cách các thủ tục vay vốn, có chính sách phù hợp hơn để người dân ở vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số... tiếp cận với nguồn vốn khi có nhu cầu./.