Báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3 cho thấy tính đến thời điểm 25/3/2024, tín dụng của nền kinh tế tăng 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng Ba tăng 0,98%) sau 2 tháng tăng trưởng âm.
Như vậy, sau gần 3 tháng, tín dụng cuối cùng cũng đã có dấu hiệu tăng trưởng so với thời điểm cuối năm 2023.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho hay đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Như vậy tín dụng tháng Hai giảm chậm hơn so với tháng Một (giảm 0,6%).
Diễn biến lạ khi một số ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm trở lại
Dù có một vài ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,1%-0,2% ở các kỳ hạn nhưng xu hướng giảm lãi suất vẫn đang chiếm chủ đạo trong tháng này.
Tín dụng đầu năm tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao, tuy nhiên tình hình đã cải thiện trong tháng Ba.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 và đang rà soát để sửa đổi, bổ sung, gia hạn Thông tư; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản...
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/3, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023; tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD.
Cũng tính đến ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Cùng kỳ năm ngoái, huy động tăng 1,17%. Huy động vốn giảm trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tiếp tục đi xuống./.