Sau động thái nới "room" tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất cho vay, tình hình tiếp cận vốn của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhìn chung đã dễ thở hơn.
Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng thương mại vẫn còn neo ở mức cao, điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Tín dụng chảy mạnh vào các lĩnh vực sản xuất
Theo ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn, kiêm Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA), sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố nới room tín dụng vào đầu tháng 12/2022, bản thân doanh nghiệp của ông và các doanh nghiệp trong FFA đã được ngân hàng giải ngân các khoản vay đăng ký trước đó.
Đặc biệt, các doanh nghiệp thuộc chương trình bình ổn thị trường của thành phố cũng đã được tiếp cận với chính sách ưu đãi lãi suất, với mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung từ 1-2%. Qua đó, kịp thời giúp doanh nghiệp có thêm dòng vốn lưu động để triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh vào mùa cao điểm cuối năm cũng như trong năm mới.
Sau công bố nới room, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T cũng cho biết Vina T&T đã được phía ngân hàng giải ngân cho vay. Dù khoản vay chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu, song cũng đã hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể dự chi thưởng Tết cho nhân viên sắp tới.
Thực tế, không chỉ riêng các doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều đã tiếp cận được vốn tín dụng cuối năm, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên.
[Nới room tín dụng: Trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất]
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, sau động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã tiếp cận được vốn ngân hàng. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2022, tín dụng trên địa bàn thành phố đã tăng thêm 1,4%, tương đương với trên 45.000 tỷ đồng tín dụng đã được cung ứng ra thị trường.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong năm 2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt trên 3,23 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2021. Đáng chú ý, dư nợ tín dụng bằng VND chiếm tỷ trọng 94%, tăng tới 15,26% so với cuối năm 2021.
“Tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với định hướng điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022. Trong đó, dòng tín dụng đã tập trung hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho chương trình phục hồi tăng trưởng tế của thành phố, với khoảng từ 68-70 % dư nợ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh,” ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá.
Đáng chú ý, các chương trình tín dụng của Ủy ban Nhân dân thành phố, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy hiệu quả như cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ khoảng 200.000 tỷ đồng. Đặc biệt, lãi suất cho vay 5 nhóm ngành này chỉ ở mức 5,5%/năm, đã tạo hiệu ứng lan tỏa tốt, hỗ trợ và động lực cho tăng trưởng kinh tế thành phố.
Đã đến lúc dừng cuộc đua lãi suất huy động?
Tại một hội nghị mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò, sự đóng góp của dòng tín dụng ngân hàng trong quá trình phục hồi kinh tế thành phố trong năm 2022.
Theo ông Phan Văn Mãi, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 14% trong năm 2022, cao hơn mức tăng trưởng 12,87% của bình quân chung cả nước. Đây là tín hiệu rất đáng mừng không chỉ cho thấy năng lực đáp ứng tốt của ngành ngân hàng, mà còn phản ánh sự hấp thụ tốt của nền kinh tế và đo lường “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp thành phố.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh bức tranh kinh tế thành phố có nhiều điểm sáng tích, nhưng hầu hết chỉ diễn ra trong 3 quý đầu năm. Từ quý 4/2022 xuất hiện một số dấu hiệu cần phải kiểm tra “sức khỏe” kinh tế thành phố.
Từ dữ liệu báo cáo kinh tế vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh quý 4/2022 do Trường đại học Kinh tế-Luật Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Xuân, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng cho rằng cuộc đua lãi suất huy động vừa qua giữa các ngân hàng thương mại đã đủ dài để các ngân hàng xác lập thị phần và cũng gần đến lúc hạ nhiệt. Nếu diễn biến theo hướng này, việc nới room tín dụng cho năm 2023 mới thực sự phát huy tác dụng, cung vốn hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong năm 2023. Ngược lại, càng siết room tín dụng, cuộc đua lãi suất sẽ còn tiếp tục và tạo hiệu ứng tiêu cực cho nền kinh tế.
“Khi đó, quy mô vốn huy động không tăng đột biến. Dòng vốn cơ bản chỉ dịch chuyển giữa các định chế tài chính. Hệ lụy của việc dòng tiền nhàn rỗi "chạy vòng quanh" giữa các ngân hàng là chi phí vốn tăng lên, tác động tới lạm phát và ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn," Tiến sỹ Xuân cho biết.
Thực tế, trong bối cảnh nền kinh tế năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn thách thức, vai trò dẫn dắt của dòng tín dụng ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước xu hướng lãi suất còn neo cao như hiện nay, các doanh nghiệp rất khó có được lợi nhuận dương. Do đó, nhiều doanh nghiệp bày tỏ cần sự sẻ chia nhiều hơn từ phía ngành ngân hàng.
Để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia…
Về phía Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Nhân dân thành phố về các chương trình tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, là thực hiện tốt chương trình kết nối doanh nghiệp với nội hàm đó là gắn với gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ cho các nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2013, đó là tập trung vào sự ổn định vĩ mô, kiềm giữ lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế…./.