Reuters đưa tin, theo công ty an ninh CrowdStrike Inc của Mỹ, tin tặc phối hợp với Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách xâm nhập ít nhất 7 công ty của Mỹ trong 3 tuần qua kể từ khi Washington và Bắc Kinh nhất trí không do thám nhau vì lý do thương mại.
CrowdStrike Inc khẳng định rằng phần mềm mà công ty này đặt tại 5 công ty công nghệ và 2 công ty dược phẩm Mỹ đã phát hiện và đẩy lui được những vụ tấn công (bắt đầu từ ngày 26/9).
Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí rằng hai bên không hỗ trợ tin tặc đánh cắp bí mật của các công ty nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, trong bài trả lời phỏng vấn, nhà đồng sáng lập công ty CrowdStrike Inc, Dmitri Alperovitch cho rằng những tin tặc tấn công 7 công ty trên câu kết với Chính phủ Trung Quốc cài đặt bộ phận trên các máy chủ và phần mềm mà chúng sử dụng.
Phần mềm, trong đó có chương trình mang tên Derusbi, trước đó đã xuất hiện trong các vụ tấn công nhà thầu quốc phòng Virginia VAE Inc và công ty bảo hiểm Anthem Inc.
Ông Alperovitch nhấn mạnh, các tin tặc này đến từ nhiều nhóm, trong đó có nhóm CrowdStrike trước đó gọi là Deep Panda.
CrowdStrike ngày 19/10 đăng tải trên blog rằng nhóm này đã thông báo với Nhà Trắng về những phát hiện của nhóm song từ chối công bố danh tính các công ty bị tấn công.
Phản ứng trước thông tin này, một quan chức cấp cao trong chính quyền Obama giấu tên tuyên bố sẽ "giám sát chặt chẽ các hoạt động do thám mạng của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ mọi cam kết của mình."
Trong khi đó, công ty an ninh mạng FireEye Inc của Mỹ khẳng định các tin tặc được Chính phủ Trung Quốc tài trợ mà công ty này đang giám sát, vẫn hoạt động, đồng thời cho rằng còn quá sớm để nói liệu chúng đã chuyển đổi mục đích hay chưa (từ thu thập thông tin tình báo liên quan tới an ninh, quốc gia, truyền thống sang đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại)./.