Tỉnh Bắc Kạn họp khẩn về việc 13 mộ liệt sỹ không có hài cốt

Chủ trì cuộc họp, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn, đã cùng với các thành viên của Ban Chỉ đạo xem xét các phương án, kế hoạch tìm kiếm thông tin cụ thể về việc 13 mộ liệt sỹ không có cốt.
Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo cuộc họp. (Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN)

Chiều 4/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức họp Ban Chỉ đạo thực hiện công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng tỉnh Bắc Kạn để xem xét các phương án, kế hoạch tìm kiếm thông tin cụ thể về việc 13 mộ liệt sỹ thanh niên xung phong không có cốt.

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn, 13 thanh niên xung phong hy sinh trong sự cố vỡ đập hồ Tân Minh, xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới) vào ngày 9/8/1968, đã được đồng đội, nhân dân tổ chức lễ truy điệu.

[Xác minh thông tin hàng loạt mộ liệt sỹ tại Bắc Kạn không có hài cốt]

Các hài cốt được quy tập lần một vào thời gian trước năm 1980, được đưa về Nghĩa trang Liệt sỹ Phủ Thông (huyện Bạch Thông). Đến năm 1989, tỉnh Bắc Thái tiến hành nâng cấp Nghĩa trang Liệt sỹ Phủ Thông, chuyển về vị trí mới (nay là Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Bắc Kạn). Toàn bộ các mộ trong nghĩa trang cũ, trong đó có 13 mộ của thanh niên xung phong nói trên, được di dời sang nghĩa trang mới.

Trên sơ đồ nghĩa trang mới lập từ năm 1989 có thể hiện 13 ngôi mộ của các thanh niên xung phong. Hiện tại các cơ quan chức năng vẫn chưa biết vì sao 13 mộ ở Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh lại không có hài cốt mà chỉ có túi nilon chứa đất, đá.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Tiến Trì, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Kạn, nêu rõ cần phải đào, tìm kiếm tại các vị trí mộ huyệt đã được quy tập lần đầu tiên trên đồi Nà Coóc (thôn Quan Làng, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới) để giải quyết mối nghi ngờ của dư luận. Bên cạnh đó, việc quy tập đã diễn ra hai lần.

Lần đầu tiên là từ đồi Nà Coóc về nghĩa trang liệt sỹ cũ của tỉnh Bắc Kạn, lần thứ hai là sau khi chuyển các mộ liệt sỹ từ nghĩa trang cũ về nghĩa trang mới nên việc tìm kiếm phải mở rộng thêm việc thăm dò, tìm kiếm ở vị trí mộ phần ở nghĩa trang cũ trước khi được quy tập lần hai.

Các thành viên của Ban Chỉ đạo đều đồng tình với ý kiến trên.

Sơ đồ vị trí 13 mộ phần được nhân chứng cung cấp. (Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN)

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phải tham mưu cho tỉnh thành lập tổ công tác, thực hiện một số nhiệm vụ như tìm thêm nhân chứng đã quy tập mộ lần một, lần hai để làm rõ về công tác các lần quy tập.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bạch Thông, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn tìm kiếm trong kho lưu trữ của tỉnh, huyện để tiếp tục tìm kiếm hồ sơ của các lần quy tập. Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ bố trí thời gian, con người xuống tỉnh Thái Nguyên để tìm kiếm tài liệu (năm 1997 tỉnh Bắc Kạn mới tách ra khỏi tỉnh Bắc Thái gồm có cả tỉnh Thái Nguyên ngày nay).

"Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ xem xét, nếu cần kiểm tra lại vị trí các mộ phần cũ tại đồi Nà Coóc thì tỉnh sẽ bố trí lực lượng chuyên môn cùng tham gia. Đây là việc phải làm một cách hết sức có trách nhiệm vậy nên Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ cố gắng có câu trả lời rõ ràng, xác đáng trong thời gian sớm nhất cho dư luận, đặc biệt là cho thân nhân các liệt sỹ thanh niên xung phong trong vụ việc trên," ông Phạm Duy Hưng nhấn mạnh.

Trước đó, vào sáng 4/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức đoàn công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng làm trưởng đoàn đi thực địa tại hồ Tân Minh (xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới) để xem xét thực địa, nơi hy sinh của 13 liệt sỹ, đồng thời gặp gỡ các nhân chứng liên quan đến vụ việc trên để làm rõ thêm thông tin liên quan về việc quy tập mộ các liệt sỹ.

Tại buổi thực địa, đoàn công tác đã gặp gỡ ông Tống Văn Minh, nguyên Phó Chỉ huy Công trường Thủy lợi Tân Minh (Bắc Kạn) - người đã chứng kiến sự việc và an táng 13 đồng đội. Ông Tống Văn Minh đã cho đoàn công tác xem sơ đồ chôn cất các liệt sỹ và cung cấp thông tin về việc trước đây gia đình liệt sỹ Hà Văn Kinh đã đưa thi hài của anh về an táng tại quê nhà ngay sau khi làm lễ truy điệu. Vì thế trên đồi Nà Coóc trước đây chỉ có mộ phần của 12 liệt sỹ.

Hiện nay dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi về việc tại sao mộ lại không có hài cốt, nhiều ý kiến quy trách nhiệm cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, theo thông tin của phóng viên TTXVN, việc quy tập các hài cốt liệt sỹ không phải do đơn vị này thực hiện.

Để xác định rõ việc này, công luận và dư luận cả nước đòi hỏi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn cần sớm tìm ra danh sách những người tham gia quy tập để có câu trả lời chính xác.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục