Tỉnh Cà Mau huy động lực lượng chống sạt lở đê biển Tây

Lực lượng chức năng vận động bà con dùng cây gỗ địa phương chống nơi sạt lở, dùng bao đất ngăn sóng tràn qua đê và huy động lực lượng lao động tại chỗ tham gia trực tiếp chống sạt lở.
Tỉnh Cà Mau huy động lực lượng chống sạt lở đê biển Tây ảnh 1Nước biển dâng ảnh hưởng đến đời sống người dân huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Trước tình trạng đê biển Tây tỉnh Cà Mau dài gần 100km từ huyện Phú Tân tới huyện U Minh (giáp ranh với tỉnh Kiên Giang) bị sóng biển làm sạt lở, Chi cục Thủy lợi phối hợp với chính quyền ba xã Khánh Bình Tây, Khánh Hải và Khánh Tiến huy động lực lượng ứng cứu với phương châm là sử dụng lực lượng tại chỗ và phương tiện tại chỗ.

Lực lượng chức năng vận động bà con dùng cây gỗ địa phương chống nơi sạt lở, dùng bao đất ngăn sóng tràn qua đê và huy động lực lượng lao động tại chỗ tham gia trực tiếp chống sạt lở. Từ đầu tháng Bảy đến nay, đã có trên 1.000 người tình nguyện tham gia ứng cứu nguy cơ sạt lở đê biển nói chung, đê biển Tây nói riêng.

Anh Trần Công Minh, xã Khánh Bình Tây, cho biết năm nào anh cũng tham gia chống sạt lở tại địa phương. Theo người dân trong vùng, cách phòng chống sạt lở như hiện nay chỉ là tạm thời, về lâu dài cần xây bờ kè đê kết hợp với trồng rừng phòng hộ.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết trên đoạn đê dài 4km có bốn điểm bị sạt lở nghiêm trọng, nước biển đã vượt đê vào sâu trong đất liền là ấp Kinh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời); ấp Vàm Kinh Mới (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời); ấp Vàm Rạch Dinh và Cống Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh).

Tình trạng đê biển Tây sạt lở diễn ra thường xuyên, nhất là vào mùa mưa bão. Đê biển Tây sạt lở kéo theo hệ lụy như ô nhiễm môi trường, nhiễm mặn, ảnh hưởng đến giao thông đi lại, sản xuất… Chỉ tính riêng tại bốn điểm sạt lở trên, nếu không kịp thời phòng chống sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 10.000ha đất sản xuất cùng gần 1.000 hộ dân sinh sống và sản xuất trong đê.

Chương trình nâng cấp đê biển Tây nằm trong chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được Chính phủ phê duyệt với tổng mức kinh phí lên tới 1.300 tỷ đồng, tuy nhiên nguồn vốn được phân bổ theo từng năm chứ không có ngay cùng một lúc, do vậy trước mắt việc gia cố, bồi đắp ở điểm sạt lở phải làm ngay.

Từ đầu mùa mưa đến nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra 30 vụ sạt lở đê sông, đê biển gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục