Sáu tháng đầu năm 2024, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tiếp tục tăng trưởng tốt.
Toàn tỉnh đã đón gần 1,3 triệu lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt trên 22.200 lượt; khách du lịch nội địa ước đạt trên 1 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 791 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch.
Những tháng đầu năm, du lịch Cao Bằng đón nhận nhiều tin vui. Lần đầu tiên Cao Bằng lọt danh sách những điểm đến thân thiện nhất Việt Nam do Booking.com công bố trong bảng xếp hạng 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2024.
Thác Bản Giốc lọt top 21 thác nước đẹp nhất thế giới được Tạp chí du lịch quốc tế Travel+Leisure lựa chọn để giới thiệu đến du khách. Đây là những điều kiện thuận lợi để Cao Bằng tiếp tục quảng bá, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch bền vững.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng Sầm Việt An, để có được kết quả trên, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp đột phá về phát triển du lịch, dịch vụ bền vững.
Thời gian tới, Sở đẩy mạnh xúc tiến xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm thứ 5 kết nối Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)-Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; hình thành tuyến du lịch Ba Bể (Bắc Kạn)-Nguyên Bình-Bảo Lạc-Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng)-Mèo Vạc-Đồng Văn (tỉnh Hà Giang).
Cùng với đó, Sở tăng cường liên kết khai thác nhiều loại hình du lịch như sinh thái, cộng đồng, công viên địa chất, mạo hiểm, nghỉ dưỡng, làng nghề, du lịch đỏ…
Tỉnh chuẩn bị tốt công tác tổ chức Hội nghị quốc tế về mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 8 của Khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng; khai thác vận hành chính thức đón khách du lịch vào khu cảnh quan thác Bản Giốc (Trùng Khánh) theo Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc).
Để thu hút khách du lịch, Cao Bằng tiếp tục tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng hạ tầng theo hướng đồng bộ đa chức năng tại ba khu di tích quốc gia đặc biệt, các danh thắng quốc gia, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo thêm nhiều sản phẩm mới đặc sắc riêng, hấp dẫn thu hút khách du lịch, thúc đẩy du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn./.
Cao Bằng: Bảo tồn, phục dựng nhiều lễ hội truyền thống độc đáo
Cùng với chủ trương phát triển kinh tế du lịch của địa phương, các lễ hội ở Cao Bằng ngày được tổ chức quy củ, bài bản hơn góp phần bảo tồn, phục dựng văn hóa truyền thống, thu hút khách du lịch.