Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội, dù năm 2017 giảm 11 vụ cháy so với năm 2016 nhưng số người chết tăng lên 1 người, thiệt hại về tài sản tăng hơn 100 tỷ đồng.
[Người lính cứu hỏa can trường]
Cụ thể, năm 2017, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 820 vụ cháy. Trong đó cháy lớn 5 vụ, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng 13 vụ, cháy trung bình 158 vụ, cháy nhỏ 619 vụ, cháy rừng 22 vụ.
Ngoài ra còn có 699 sự cố chập điện, 442 sự cố cháy bãi rác, phế liệu không gây cháy lan. Trong năm 2017, các vụ cháy tại Hà Nội khiến 21 người chết, 12 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính trên 300 tỷ đồng và 50 ha rừng.
Con số thống kê cũng chỉ ra rằng, cháy ở khu vực nội thành xảy ra 556 vụ, ngoại thành 264 vụ. Nếu đem so với năm 2016 giảm 11 vụ cháy; tăng 1 người chết, giảm 07 người bị thương; thiệt hại về tài sản tăng hơn 100 tỷ đồng.
Về nguyên nhân, nhà chức trách xác định do sự cố thiết bị điện 526 vụ; sơ suất khi sử dụng lửa 176 vụ; sự cố kỹ thuật máy móc 20 vụ; hàn cắt 13 vụ; sơ xuất khi sử dụng nguồn nhiệt 1 vụ; đang điều tra 84 vụ.
Năm 2017 cũng xảy ra 3 vụ nổ (trong đó có 2 vụ nổ do cưa cắt thùng phuy có chứa hỗn hợp hơi khí cháy, 1 vụ nổ trạm biến áp) làm 3 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 400 triệu đồng. So với năm 2016, tăng 1 vụ, tăng 3 người chết, tăng 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng gần 200 triệu đồng.
[Quyến ‘thủ’ và những trận chiến kinh hoàng với giặc lửa]
Theo các phân tích trong dự thảo Đề án tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội mới đây, cho dù tình hình cháy, nổ giảm, nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Nội dung Đề án nêu rõ, địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở các quận nội thành (chiếm 67,8%). Chủ yếu ở các doanh nghiệp kinh tế tư nhân và nhà dân (chiếm trên 95%). Số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng chỉ chiếm từ 1-2% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 80 đến 85% do xảy ra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nơi tập trung đông người như nhà cao tầng, quán karaoke, nhà hàng…
Đáng chú ý, là những vụ xảy ra tại loại hình nhà liền kề (dạng nhà ống chia lô) kết hợp kinh doanh dịch vụ, nhà kho, xưởng sản xuất tạm…
Nguyên nhân do sự cố từ điện chiếm tỷ lệ cao (64,1%). Các vụ cháy do hàn cắt kim loại trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà, công trình không nhiều, song gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (chết nhiều người).
Đầu năm 2018, Hà Nội cũng chứng kiến một số vụ cháy có thiệt hại lớn mà gần đây nhất là vụ cháy chợ Quang (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội)…
[Trận chiến với dòng sông 'cháy']
Thực tế cũng cho thấy, cháy, nổ xảy ra có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý nhất là nguyên nhân do nhận thức, ý thức của người dân về công tác phòng cháy và chữa cháy.
Do đó, công tác tuyên truyền là vô cùng quan trọng để nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của mọi người trong chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, tập trung vào nơi địa bàn, lĩnh vực có nhiều nguy cơ cháy, nổ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy tới các tầng lớp nhân dân trước đây chưa được tiến hành thường xuyên, mới chỉ tập trung vào các thời điểm như Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy, nổ; Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (ngày 4/10); Tháng an toàn phòng cháy, chữa cháy; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy chưa thật sát với thực tế.
Hiện nay, hoạt động của đội dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở ở một số nơi còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao, chế độ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở chưa được thực hiện thống nhất theo quy định, ít được quan tâm huấn luyện lại qua từng năm. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy chưa đạt nhiều hiệu quả.
Bởi vậy, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền sẽ được Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng để nâng cao nhận thức người dân, giảm thiểu tình trạng xảy ra cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân về phòng cháy, chữa cháy sẽ được tập trung vào các nội dung:
- Phổ biến các quy định của pháp luật về nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác Phòng cháy, chữa cháy để mọi người hiểu, có nghĩa vụ phải thực hiện.
- Hướng dẫn mọi người dân về ý thức tự phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ tại nơi làm việc, trong gia đình và trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ cháy, nổ; cung cấp các kiến thức trong xử lý các tình huống khi có cháy, nổ xảy ra.
- Nội dung tuyên truyền theo chủ đề “Mỗi người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác Phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cho mọi gia đình và xã hội”.
- Đối tượng tuyên truyền tập trung vào các nhà máy, nhà chung cư, công xưởng, các khu công nghiệp chế xuất, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.
- Hình thức tuyên truyền, hướng dẫn kết hợp bằng nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm địa bàn hay có nguy cơ cháy, nổ xảy ra; kết hợp các bài viết với hình ảnh, số liệu vụ, việc, thiệt hại; tổ chức ra quân chung với các lực lượng tuyên truyền chuyên nghiệp; tổ chức các buổi biểu diễn chữa cháy, sử dụng các thiết bị phòng cháy, chữa cháy thành các hội thi.
- Thực hiện in và phát hành tranh áp phích cổ động, tuyên truyền về phòng chống cháy, nổ. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên ấn phẩm của các cơ quan thông tấn báo chí. Đặc biệt chú trọng vào các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy theo hướng cụ thể, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ.
- Tổ chức cổ động bằng các hình thức tranh áp phích, pano, băng rôn, cờ phướn để cổ động tuyên truyền Tuần lễ quốc gia Phòng cháy, chữa cháy trên các trục đường chính của thành phố, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chung cư, các doanh nghiệp, khu trung tâm thương mại, các chợ đầu mối và các khu vực đông dân cư, bệnh viện, trường học.
Phát động phong trào thi đua, tổ chức ký cam kết bảo đảm An toàn phòng cháy, chữa cháy không để xảy ra sự cố cháy, nổ. Tổ chức hoặc hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, nói chuyện, tọa đàm, tập huấn về các chuyên đề đảm bảo an toàn và phòng chống cháy, nổ.
Các khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động sẽ được tập trung theo phương hướng:
* Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô.
* Thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy, chữa cháy vì an toàn cho mỗi gia đình và an toàn chung cho xã hội.
* Nhân dân Thủ đô thực hiện nghiêm công tác Phòng cháy, chữa cháy là góp phần vào sự phát triển của thủ đô, xứng đáng Thủ đô của cả nước./.