Tình hình ở Nam Sudan vẫn đang có chiều hướng xấu đi

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, tình hình Nam Sudan vẫn đang có chiều hướng xấu đi khi xung đột vẫn tiếp diễn, khiến hàng nghìn người dân nước này tiếp tục phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Người dân Nam Sudan phài bỏ nhà cửa đi lánh nạn. (Nguồn: capitalfm)

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực cách đây 3 tuần, tình hình Nam Sudan vẫn đang có chiều hướng xấu đi khi xung đột vẫn tiếp diễn, khiến hàng nghìn người dân nước này tiếp tục phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trong báo cáo công bố ngày 21/9, Cơ quan Liên hợp quốc về phối hợp các vấn đề nhân đạo (OCHA) cho biết do chiến sự ở Nam Sudan vẫn chưa chấm dứt nên kể từ giữa tháng 8 vừa qua, mỗi ngày có tới hàng nghìn người dân địa phương vượt qua vùng đầm lầy Sudd rộng lớn đến khu vực Nyal lánh nạn. Hiện có ít nhất 78.000 người đang tị nạn ở đây.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay hơn 1,64 triệu người đã rời khỏi các khu vực chiến sự tại quốc gia Đông Phi này để đi lánh nạn, trong đó có 628.000 người đã chạy sang các nước láng giềng tị nạn.

Ngoài ra, hơn 4,6 triệu người dân Nam Sudan, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, phải sống dựa chủ yếu vào nguồn lương thực, thực phẩm cứu trợ.

Báo cáo của OCHA mới đây cho biết hiện có hơn 192.000 dân Nam Sudan đang sống trong các cơ sở của Liên hợp quốc ở khu vực này.

Trong trại tị nạn lớn nhất của Liên hợp quốc tại thủ phủ Bentiu, bang Unity, có tới 112.000 người tị nạn, đặc biệt mỗi tuần có 34 trẻ em tử vong do sốt rét. Tình trạng suy dinh dưỡng, nhất là ở trẻ em, cũng đang xuất hiện trên phạm vị rộng lớn ở nước này.

Ngoài ra, Liên hợp quốc còn bày tỏ quan ngại khi tình hình an ninh tại thủ đô Juba đang xấu đi nghiêm trọng. Hôm 10/9 vừa qua, 1 nhân viên cứu trợ nước ngoài đã bị sát hại, nâng số người nước ngoài bị thiệt mạng kể từ khi xảy ra cuộc nội chiến ở đây lên tới 34 người.

Kể từ tháng 12/2013, quốc gia non trẻ nhất thế giới này đã bị tàn phá bởi nội chiến sau khi xảy ra giao tranh giữa quân đội của Tổng thống Tổng thống Salva Kiir với lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar.

Tuy đã ký thỏa thuận hòa bình ngày 27/8 với sự chứng kiến của cộng đồng châu Phi và thế giới, song các vụ đụng độ lẻ tẻ vẫn xảy ra và cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 29/8.

Tình trạng này buộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn, kể cả cấm vận nếu các bên tại quốc gia này không tuân thủ triệt để Thỏa thuận hòa bình vừa được ký kết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục