Tình hình Syria: Các bên bàn việc phối hợp chuyển giao quyền lực

Người đứng đầu lực lượng nổi dậy ở Syria, ông Abu Mohammed al-Jolani, đã gặp Thủ tướng Jalali “để phối hợp công tác chuyển giao quyền lực nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ” cho người dân Syria.

Các thành viên lực lượng đối lập Syria SDF sau khi chiếm quyền kiểm soát thành phố Deir el-Zor, miền Đông Syria ngày 7/12. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Các thành viên lực lượng đối lập Syria SDF sau khi chiếm quyền kiểm soát thành phố Deir el-Zor, miền Đông Syria ngày 7/12. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Lực lượng nổi dậy ở Syria ngày 9/12 xác nhận người đứng đầu lực lượng này Abu Mohammed al-Jolani đã gặp Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mohammed al-Jalali để thảo luận về việc “chuyển giao quyền lực."

Thông tin này được đưa ra 1 ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ.

Theo tuyên bố được đăng tải trên kênh Telegram của lực lượng nổi dậy, ông Jolani - hiện sử dụng tên thật là Ahmed al-Sharaa - đã gặp Thủ tướng Jalali “để phối hợp công tác chuyển giao quyền lực nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ” cho người dân Syria.

Một đoạn video ngắn ghi lại cuộc gặp còn cho thấy sự hiện diện của ông Mohammed Bashir, người đứng đầu “Chính phủ cứu nguy” của lực lượng nổi dậy ở thành trì phía Tây Bắc Syria.

Ông Bashir được cho là ứng cử viên có nhiều khả năng nhất cho chức Thủ tướng Syria trong chính quyền chuyển tiếp thời “hậu Assad."

Trong đoạn video, ông Jolani còn nói với Thủ tướng sắp mãn nhiệm Jalali rằng mặc dù “Idlib là một khu vực nhỏ, thiếu tài nguyên” nhưng chính quyền ở đó “có rất nhiều kinh nghiệm sau khi bắt đầu từ con số không."

Trước đó, hôm 8/10, ông Jalali đã khẳng định thiện chí “hợp tác” với bất kỳ ban lãnh đạo nào do người dân Syria lựa chọn và sẵn sàng cho quá trình chuyển giao quyền lực.

“Chính phủ cứu nguy” - bao gồm các bộ, ngành, cơ quan tư pháp và an ninh - được thành lập vào năm 2017 để hỗ trợ những người bị cắt các dịch vụ của chính phủ trong thành trì của lực lượng nổi dậy ở khu vực Tây Bắc đất nước.

Hiện nay, nhà chức trách ở khu vực này đã bắt đầu cung cấp trở lại các dịch vụ - gồm điện, nước và thông tin liên lạc - cho Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria, sau khi quân nổi dậy giành quyền kiểm soát thành phố này trong chiến dịch tấn công chớp nhoáng hôm 30/11.

Cũng trong ngày 9/12, Quốc hội Syria ra tuyên bố ủng hộ nguyện vọng của người dân về việc xây dựng một đất nước mới.

Hãng thông tấn quốc gia SANA dẫn tuyên bố của Quốc hội Syria nêu rõ: “Ngày 8/12 là một ngày lịch sử trong cuộc đời của toàn thể nhân dân Syria. Chúng tôi ủng hộ nguyện vọng của nhân dân về việc xây dựng một đất nước Syria mới hướng tới tương lai tươi sáng hơn, được quản lý bởi luật pháp và công lý."

Trong một động thái khác có liên quan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng ngày đã thảo luận về giai đoạn chuyển tiếp ở Syria và các biện pháp khả thi để tái thiết đất nước này.

Trong cuộc thảo luận, hai bên còn đề cập đến vấn đề đưa viện trợ nhân đạo vào Syria và những công việc mà Liên hợp quốc có thể làm để giúp tái thiết nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Jordan kêu gọi chấm dứt xung đột tại Dải Gaza

Quốc vương Jordan cho rằng bước đầu tiên hướng tới việc đạt được hòa bình ở Trung Đông là chấm dứt xung đột ở Dải Gaza, đồng thời tái khẳng định giải pháp 2 nhà nước là cách để giải quyết xung đột.