Tình hình tài chính của Hy Lạp trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”

Eurogroup chính thức từ chối gia hạn thêm 1 tháng chương trình cứu trợ tài chính dành cho Hy Lạp, làm tăng nguy cơ đẩy Athens vào tình trạng vỡ nợ và phải ra khỏi Eurozone.
Tình hình tài chính của Hy Lạp trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” ảnh 1(Nguồn: Bloomberg)

Các Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) vừa từ chối gia hạn thêm một tháng chương trình cứu trợ tài chính dành cho Hy Lạp, theo kế hoạch sẽ chấm dứt vào ngày 30/6 tới, sau khi Athens thông báo tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 5/7 để quyết định sẽ nói “Có” hay “Không” đối với những đề xuất cải cách của các chủ nợ quốc tế nhằm đổi lấy gói cứu trợ.

Quyết định trên được Eurogroup đưa ra trong cuộc họp kéo dài ba giờ tại Brussels và đẩy vị thế của Hy Lạp trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc.”

“Phao cứu sinh” tài chính dành cho Hy Lạp sẽ kết thúc trong tuần tới và nếu Athens vẫn không thể tiếp cận vốn từ các chủ nợ, trong khi thời hạn chót không được kéo dài, thì nhiều khả năng nước này sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ và phải ra khỏi Eurozone.

Sau khi thông tin về cuộc trưng cầu dân ý được loan báo, trên khắp thủ đô Athens, ngày càng nhiều người dân Hy Lạp đổ xô đến các cây ATM rút tiền do lo ngại về tương lai đất nước.

Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem nói: “Giới chức Hy Lạp yêu cầu các chủ nợ gia hạn thêm một tháng cho các chương trình cứu trợ tài chính. Song, trong bối cảnh châu Âu sẽ không giải ngân thêm bất cứ khoản tiền nào cho Athens trong một tháng đó thì tôi không hiểu Hy Lạp sẽ làm thế nào để có thể tồn tại và giải quyết các vấn đề của mình.”

Tuy nhiên, trước tình thế khó khăn này, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis vẫn chưa từ bỏ hy vọng khi khẳng định Hy Lạp sẽ chiến đấu tới cùng để giành được một thỏa thuận với bộ ba chủ nợ hay còn gọi là “troika,” mặc dù thời gian còn lại chỉ được tính theo ngày.

Bộ trưởng Varoufakis cũng cảnh báo Eurogroup rằng quyết định nói “Không” với việc gia hạn gói cứu trợ tài chính dành cho Hy Lạp chắc chắn sẽ gây tổn hại đến uy tín của Eurogroup như một liên minh dân chủ và tổn hại này có thể là vĩnh viễn.

Các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và bộ ba chủ nợ quốc tế - bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - vẫn đang bế tắc do hai bên chưa thể tìm được tiếng nói chung về các đề xuất cải cách, trong đó có việc các chủ nợ yêu cầu Athens nâng thuế giá trị gia tăng (GTGT) và tiếp tục cắt giảm thêm lương hưu, điều Hy Lạp cho tới nay vẫn phản đối.

Trong khi Hy Lạp đưa ra đề xuất dự kiến ​​ sẽ làm tăng doanh thu nhà nước tương đương khoảng 0.93% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một phần nhờ vào một cuộc cải cách thuế giá trị gia tăng, thì phía chủ nợ yêu cầu mức doanh thu này phải tương đương 1% GDP./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.