Tình hình tại miền Đông và Nam Ukraine diễn biến xấu

Tình hình miền Đông và Nam Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu giảm căng thẳng, bất chấp việc chính phủ tạm quyền Kiev thực hiện các biện pháp mạnh tay.
Tình hình tại miền Đông và Nam Ukraine diễn biến xấu ảnh 1Lính đặc nhiệm Ukraine tại thành phố miền đông Slavyansk ngày 24/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình hình miền Đông và Nam Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu giảm căng thẳng. Bất chấp việc chính phủ tạm quyền Kiev thân phương Tây thực hiện các biện pháp mạnh tay và đã xảy ra xung đột làm ít nhất 5 người thiệt mạng, lực lượng biểu tình tại đây vẫn không có ý định lùi bước.

Ngày 24/4, tại Donetsk và Slaviansk, các tay súng cùng các phương tiện bọc thép thuộc các đơn vị tự vệ đã tái triển khai trên các đường phố, tiến hành lập hàng rào quân sự quanh các trụ sở công quyền nơi lực lượng biểu tình đang chiếm giữ, nhằm đẩy lui chiến dịch trấn áp bằng vũ lực của lực lượng chính phủ.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, các thành phố này đã hầu như bị phong tỏa, trong khi các lực lượng an ninh bảo vệ thành phố đã rời bỏ các trạm kiểm soát. Trong khi đó, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nổ ra tại các thành phố này nhằm yêu cầu chính quyền Kiev rút quân và chấm dứt các chiến dịch trấn áp quân sự tại đây.

Các diễn biến ở miền Đông Ukraine đã gia tăng căng thẳng sau khi chính phủ tạm quyền Kiev ngày 24/4 tuyên bố chuyển sang “giai đoạn tích cực” trong chiến dịch trấn áp người biểu tình tại đây. Theo đó, Kiev đã cho triển khai thêm các xe bọc thép và binh lính tới Slaviansk - nơi được coi là điểm nóng nhất của làn sóng biểu tình.

Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, đã có ít nhất 5 người biểu tình bị thiệt mạng trong các cuộc trấn áp ngày hôm qua tại Slaviansk.

Trước những diễn biến căng thẳng này, ngày 24/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành động bạo lực và trả đũa lẫn nhau. Trong khi đó, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cũng cho biết sẽ thúc đẩy đối thoại giữa các bên, đồng thời tăng cường phái đoàn giám sát tại Ukraine từ 150 người hiện nay lên 500 người trong vòng vài tháng tới, nhằm tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay.

OSCE đồng thời thúc giục chính quyền Ukraine cần tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị, tránh để tình hình ngày càng leo thang.

Trong khi đó, Nga và Mỹ tiếp tục chỉ trích nhau trước những diễn biến phức tạp chưa có hồi kết tại Ukraine. Moskva một lần nữa cáo buộc Mỹ đưa ra những tuyên bố vô căn cứ về cuộc khủng hoảng Ukraine; đồng thời khẳng định giải pháp duy nhất hiện nay là chính phủ tạm quyền Kiev phải tuân thủ thỏa thuận bốn bên vừa đạt được tại Geneva. Trong khi đó, Washington cảnh báo “Nga đang phạm sai lầm nghiêm trọng và đắt giá” trong vấn đề Ukraine.

Trong một tuyên bố ngày 24/4, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình để buộc chính quyền hiện nay tại Kiev phải tuân thủ thỏa thuận đã ký tại Geneva hôm 17/4 vừa qua.

Theo ông Lavrov, Chính quyền Kiev chính là bên đầu tiên phải thực thi nghiêm chỉnh những bước đi để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hối thúc Nga thay đổi cách ứng xử trước những diễn biến tại miền Đông Ukraine, cho rằng Nga đang phạm sai lầm nghiêm trọng, đồng thời cảnh báo Moskva sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt gia tăng.

Trong khi đó, xuất hiện trong một chương trình đặc biệt của Kênh truyền hình Rossiya-1, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc, ông Vitaly Churkin nhấn mạnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang bị chia rẽ do tình hình tại Ukraine.

Và nếu tình hình bạo lực tại đây không cải thiện, Nga có thể sẽ đề xuất triệu tập một cuộc họp bất thường tại Hội đồng Bảo an. Đại sứ Churkin cũng cáo buộc chính quyền Ukraine không có những bước đi rõ ràng để thúc đẩy đối thoại với các phe phái nhằm chấm dứt khủng hoảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.