Tỉnh lộ 665 chưa nghiệm thu đã hư, Gia Lai yêu cầu khắc phục sự cố

Ông Nguyễn Văn Sâm (làng Bạc, xã Ia Băng) cho biết, người dân mong muốn Đảng và Nhà nước làm đường để việc đi lại thuận lợi hơn, tuy nhiên đường làm xong chưa lâu đã bị sụt lún, hư hỏng.
Các vết sụt lún, hư hỏng tại đoạn đường của tỉnh lộ 665 Gia Lai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Liên quan đến đoạn Tỉnh lộ 665 (từ Km00+00 đến Km 40+00) chưa được nghiệm thu đã có nhiều điểm hư hỏng, sụt lún cục bộ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai - chủ đầu tư, yêu cầu nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm khắc phục.

Theo quan sát của phóng viên TTXVN, tại đoạn đường dài khoảng 900 mét từ ngã ba Phú Mỹ (xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai) tiếp giáp tuyến Quốc lộ 14 có nhiều chỗ sụt lún, gãy nứt mặt đường với nhiều vết vá dài khoảng từ 1 - 4m. Ngoài ra, tại những đoạn đường vừa mới thi công xong trên mặt đường xuất hiện các điểm hư mới, gây bong tróc, rạn nứt, nhựa đường vỡ, chỉ cần dùng tay bóc nhẹ là bung ra từng mảng.

Ông Nguyễn Văn Sâm (làng Bạc, xã Ia Băng) cho biết, người dân mong muốn Đảng và Nhà nước làm đường để việc đi lại thuận lợi hơn, tuy nhiên đường làm xong chưa lâu đã bị sụt lún, hư hỏng.

Trước thực trạng trên, vào cuối tháng 10 lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã giao cho chủ đầu tư khẩn trương lựa chọn nhà thầu tư vấn độc lập để kiểm định chất lượng công trình nhằm làm rõ nguyên nhân hư hỏng cục bộ một số đoạn đường.

Theo đó, chiều 3/11, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi cung cấp thông tin đến báo chí về kết quả kiểm tra, phương án xử lý công trình.

[An Giang: Xuất hiện điểm sụp lún đường giao thông dài hơn 50m]

Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, cho biết, để sớm tìm ra nguyên nhân gây hư hỏng, Sở đã mời một đơn vị tư vấn độc lập vào kiểm tra và đã xác định, chất lượng bê tông và độ cứng nền đường đều đảm bảo yêu cầu.

Nguyên nhân gây hư hỏng là do xe chở vật liệu thi công điện gió đi lại quá nhiều, kết hợp với thời tiết Gia Lai đang là mùa mưa, các vết nứt này tạo điều kiện cho nước mưa ngấm dần vào kết cấu đường, gây ra vấn đề lún, nứt. Do công trình đang trong quá trình thi công nên khi xảy ra hư hỏng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị thi công.

"Để hạn chế mưa ngấm, đơn vị thi công phải đào bỏ mặt đường bị hư hỏng, thấm nước rồi vá lại để đảm bảo lớp kết cấu đường. Nhà thầu cũng đề xuất phương án xử lý là sau khi xử lý triệt để, đảm bảo yêu cầu của việc khắc phục hư hỏng thì đơn vị thi công phải tự bỏ kinh phí rải thêm một lớp bê tông dày 4 cm nhằm đảm bảo kỹ thuật và tính thẩm mỹ của công trình," ông Nguyễn Hữu Quế cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Vinh, đại diện Công ty Cổ phần Công trình 207, nhà thầu thi công đoạn đường đã xảy ra hư hỏng, cho biết, do đường vừa đang thi công vừa được đưa vào lưu thông nên đơn vị gặp những khó khăn nhất định khi lưu lượng xe chở vật liệu phục vụ xây dựng các công trình điện gió quá dày khiến mặt đường cấp 4 miền núi không thể chịu nổi tải trọng. Điều này đã gây nứt lớp bê tông nhựa rồi nước mưa thấm xuống làm hư hỏng nền cấp phối ở dưới và lan ra các vị trí khác.

Hiện nay, đơn vị thi công đã khắc phục bằng cách đào mặt đường, xử lý các vị trí hư hỏng. Sau khi đủ thời gian theo dõi, được sự đồng ý của chủ đầu tư, đơn vị cho phủ một lớp thảm bê tông để tạo cường độ và thẩm mỹ của công trình.

Được biết, gói thầu GL-Cw-01 (từ Km00+00 đến Km 40+00) do liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Thành Trung và Công ty Cổ phần Công trình 207 thi công, có kinh phí hơn 173 tỷ đồng, mới thi công được khoảng 30% khối lượng. Gói thầu thuộc Dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, vay vốn ADB - Tiểu dự án tỉnh Gia Lai, có tổng vốn đầu tư trên 508 tỷ đồng, chiều dài 65 km, thời gian thực hiện 6 năm từ 2017-2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục