Tình thế phức tạp sau vụ Thổ Nhì Kỳ bắn hạ máy bay Nga

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu Nga trên khu vực biên giới của nước này với Syria, đã có nguy cơ gây thêm căng thẳng trong cuộc xung đột Syria kéo dài suốt 4 năm qua.
Tình thế phức tạp sau vụ Thổ Nhì Kỳ bắn hạ máy bay Nga ảnh 1Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một chiến đấu cơ Su-24 của Nga ở bầu trời gần biên giới Syria (Nguồn: AFP)

Việc Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu Nga trên khu vực biên giới của nước này với Syria, đã có nguy cơ gây thêm căng thẳng trong cuộc xung đột Syria kéo dài suốt 4 năm qua.

Theo AFP, sự kiện đồng thời cũng đặt ra một số câu hỏi về động cơ của vụ bắn hạ, cũng như các bước đi tiếp theo của các bên.

Tình thế phức tạp ở Syria

Nga là một trong vài cường quốc hàng đầu đang dính líu tới Syria - nơi cuộc nội chiến dài 4 năm đã dần biến thành một cuộc chiến ủy nhiệm (proxy war) có sự tham gia của các nước lớn trong khu vực

Nỗ lực đạt được một thỏa thuận hòa bình quốc tế hiện đang sa lầy quanh việc liệu Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể tiếp tục nắm quyền. Các đồng minh của ông Assad là Iran và Nga đang đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Qatar và một số nước phương Tây ủng hộ phe đối lập tại Syria.

Sau vụ khủng bố Paris, Pháp đang nỗ lực thuyết phục Mỹ và Nga cùng tham gia vào một liên quân duy nhất chống Nhà nước Hồi giáo IS, và điều này có thể khiến việc đẩy ông Assad ra đi không còn là một ưu tiên lớn của Mỹ nữa.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại nhất quyết muốn ông Assad ra đi và họ cũng đang nắm con bài thiết lập vùng đệm ở biên giới Syria, giữ chân dòng người tị nạn đang muốn đổ tới châu Âu.

Tình thế phức tạp sau vụ Thổ Nhì Kỳ bắn hạ máy bay Nga ảnh 2Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, trái, và Thủ tướng Ahmet Davutoglu (Nguồn: AFP)

Vụ việc xảy ra khi Nga đang triển khai chiến dịch ném bom lớn ở miền Bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng hoạt động này gây hại tới những người dân tộc Turkmen ở Syria, và rõ ràng ảnh hưởng tới kế hoạch xây dựng vùng đệm của Thổ Nhì Kỳ. Đây là một nhóm dân thiểu số có quan hệ với Ankara. Nga nói rằng họ chỉ tấn công các tay súng ủng hộ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chuyện xảy ra thế nào?

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết máy bay rơi trong vùng lãnh thổ Syria, tại khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4km và nó không hề đe dọa tới chủ quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng đã tăng cao sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phàn nàn việc máy bay Nga lấn vào không phận nước này trong tháng 10 vừa qua. NATO cũng cảnh báo Nga tránh xa khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Các chuyên gia nói rằng Nga vẫn thường hay thử thách biên giới trên không của nhiều quốc gia, gồm một số nước Bắc và Đông Âu.

"Nga biết rõ rủi ro là gì nếu máy bay của nước này lấn vào nơi nào đó mà Thổ Nhĩ Kỳ không muốn," Keir Giles, một nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London, nói với AFP.

Các rủi ro là gì?

Theo Giles, hiện chưa bên nào có liên quan trong vụ bắn rơi chiếc Su-24 muốn gây ​leo thang tình hình.

"Có rất nhiều điều Nga có thể làm để trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn, gồm cả các biện pháp kinh tế và ngoại giao. Nhưng rõ ràng các cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ và chính sách nhất quán của nước này khiến Nga rất khó tuyên bố rằng đây (vụ bắn rơi chiếc Su-24) là một phản ứng khó chấp nhận," Giles nói.

Tình thế phức tạp sau vụ Thổ Nhì Kỳ bắn hạ máy bay Nga ảnh 3Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có toan tính gì? (Nguồn: AFP)

Nhưng Alan Mendoza, giám đốc điều hành của tổ chức Hội Henry Jackson, nói rằng sự việc cho thấy tiềm năng cuộc xung đột đã có thêm chiều hướng quốc tế. Bà cũng cho rằng thái độ và những hành động mạnh tay của Nga có nghĩa những cuộc chạm trán, do vô tình hay hữu ý, với các lực lượng NATO và phương Tây giờ sẽ có thể diễn ra.

Natasha Kuhrt, một giảng viên về hòa bình về an ninh quốc tế tại trường King's College London, đánh giá sự kiện có "tiềm năng lật đổ các tiến triển đã đạt được, trong việc hợp tác ứng phó với cuộc khủng hoảng Syria".

Điều này có nghĩa sẽ khó khăn hơn để đạt được các thỏa thuận quốc tế có Nga ở trong, bao gồm việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột Syria./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.