Sự ấm lên toàn cầu do con người gây ra đang gia tăng với tốc độ chưa từng thấy, trong khi những cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 của hầu hết các quốc gia lại đang bị tụt lại phía sau.
Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất được các nhà khoa học trình bày tại thành phố Bonn, Đức trong cuộc họp tham vấn thường niên cho Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) dự kiến diễn ra tại Dubai vào cuối năm nay.
Theo nghiên cứu trên, nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,14 độ C trong thập kỷ qua và cộng đồng thế giới hàng năm phải triệu tập các hội nghị thượng đỉnh COP để xem xét những nỗ lực về khí hậu, đồng thời đo lường các chỉ số theo các mục tiêu được đặt ra trong Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, đánh giá được trình bày tại Bonn cho thấy rằng các kế hoạch đưa mức phát thải ròng bằng 0 của hầu hết các quốc gia góp phần vào phát thải khí nhà kính toàn cầu là thiếu độ tin cậy.
Mỹ và Trung Quốc, chiếm khoảng 1/3 lượng khí thải nhà kính toàn cầu, nằm trong số các quốc gia có kế hoạch bị coi là thiếu tin cậy. Hầu hết các quốc gia đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, thì Trung Quốc và Ấn Độ cam kết thực hiện lần lượt vào các năm 2060 và 2070.
Gần như tất cả 35 quốc gia, đóng góp hơn 4/5 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, đều “đạt điểm thấp” trong kế hoạch đưa mức phát thải ròng bằng 0. Một trong những khu vực duy nhất phát thải hàng đầu thế giới có kế hoạch đáng tin cậy, là Liên minh châu Âu (EU). Một số ít quốc gia khác “đạt điểm cao” là Anh và New Zealand.
Các nhà khoa học lưu ý rằng mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 thiếu các chi tiết quan trọng, trong đó chỉ đề cập đến khí CO2 hoặc các loại khí làm nóng hành tinh quan trọng khác như methane và oxit nitơ (NO2).
[Cảnh báo nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 0,2 độ C mỗi thập niên]
Trong khi đó, phần lớn các nền kinh tế mới nổi nằm ở cuối danh sách, với xếp hạng thấp nhất, như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Indonesia. Các quốc gia Arab như Ai Cập, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều bị xếp hạng thấp.
Chủ tịch được chỉ định của COP28, Quốc vương UAE Ahmed al-Jaber khẳng định việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch là không thể tránh khỏi.
Phát biểu bên lề các cuộc đàm phán tại Bonn, ông Al-Jaber cho biết việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch diễn ra nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào tốc độ triển khai “các giải pháp thay thế phi carbon,” đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng, khả năng tiếp cận cũng như năng lực tài chính.
Ông nhấn mạnh lộ trình của hội nghị COP28 bao gồm việc thực hiện mục tiêu toàn cầu từ nay đến năm 2030 là tăng gấp ba đóng góp của năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi hiệu suất sử dụng năng lượng và thị phần của hydro sạch.
Trước đó, ngày 7/6, tại Brussels, Chủ tịch COP28 đã ký một thông cáo báo chí với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, kêu gọi chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng không dùng nhiên liệu hóa thạch.
Các cuộc đàm phán khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra tại Bonn kéo dài 2 ngày với những chủ đề liên quan tới việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch - tác nhân chính gây ra tình trạng Trái Đất nóng lên.
Theo Ngoại trưởng UAE kiêm Chủ tịch Ủy ban cấp cao chịu trách nhiệm giám sát công tác chuẩn bị cho COP28, ông Abdullah bin Zayed, khi quyết định đăng cai tổ chức COP28, UAE quyết tâm dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và chuyển các sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề này từ giai đoạn đưa ra các cam kết sang khâu thực hiện bằng các hành động cụ thể.
Hội nghị COP28 sẽ được tổ chức từ ngày 30/11 tới ngày 12/12 năm nay tại trung tâm triển lãm Expo City Dubai (UAE)./.