Hiện tượng toàn cầu bị ấm lên chính là nguyên nhân gây nên đợt hạn hán tàn khốc ở vùng Sừng châu Phi - theo báo cáo của Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA).
Theo báo cáo công bố ngày 27/4, kể từ cuối năm 2020, các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi - gồm Djibouti, Ethiopia, Eritrea, Kenya, Somalia, Nam Sudan và Sudan - đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua.
Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến xác suất xảy ra hạn hán nông nghiệp ở vùng Sừng châu Phi tăng gấp 100 lần. Tình trạng hạn hán tàn khốc ở khu vực này đã không xảy ra nếu không chịu tác động từ khí thải gây hiệu ứng nhà kính - báo cáo của WWA khẳng định.
Nghiên cứu của WWA tập trung vào ba khu vực ở vùng Sừng châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do hạn hán, bao gồm miền Nam Ethiopia, Somalia và miền Đông Kenya.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu đang đảo lộn chu kỳ lượng mưa, qua phân tích dữ liệu ở ba khu vực hạn hán nhất ở vùng Sừng châu Phi trên trong các năm 2021 và 2022.
Nghiên cứu cho thấy mùa mưa dài (từ tháng Ba đến cuối tháng Năm) đang ngày càng thu hẹp với lượng mưa giảm một nửa, trong khi những mùa mưa ngắn (từ tháng 11 đến cuối tháng 12) đang trở nên ẩm ướt hơn.
Mặc dù biến đổi khí hậu ít ảnh hưởng đến tổng lượng mưa hằng năm trong khu vực, song nhiệt độ cao hơn đã làm tăng đáng kể lượng nước bốc hơi từ đất và thực vật, khiến đất ngày càng khô hạn.
["Vùng Sừng châu Phi mất an ninh lương thực nghiêm trọng chưa từng có"]
Các nhà khoa học cho rằng nếu không xảy ra hiệu ứng tăng nhiệt, vùng Sừng châu Phi sẽ không phải hứng chịu hạn hán nông nghiệp - khi cây trồng và đồng cỏ bị ảnh hưởng do thời tiết khô hạn - trong hai năm qua.
Hơn 20 triệu người đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng khi tình trạng thời tiết trên gây mất mùa trên diện rộng và gia súc chết hàng loạt.
Các nước cần hành động ngay lập tức, tập trung vào việc chuyển đổi và nâng cao năng lực ứng phó - nhà khí hậu học người Kenya Joyce Kimutai, thành viên nhóm soạn thảo báo cáo của WWA, khuyến cáo.
Cần thiết phải đổi mới một cách xuyên suốt và toàn diện các hệ thống lương thực, nâng cao sự hợp tác, vận động sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương, tận dụng tốt nhất dữ liệu và thông tin, cũng như kết hợp các công nghệ mới và kiến thức truyền thống - theo Bà Kimutai.
Cuối tháng Ba vừa qua, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cũng đã cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng "chưa từng có" đã kéo dài ở các quốc gia Sừng châu Phi bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình và ứng phó với hạn hán ở vùng Sừng châu Phi, WFP cho biết các quốc gia trong khu vực - chủ yếu là Ethiopia, Kenya và Somalia - đang phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng trong hai năm rưỡi sau năm mùa mưa khô hạn.
Báo cáo cho biết khu vực này đang chứng kiến hạn hán nghiêm trọng và kéo dài nhất trong nhiều thập niên, kéo theo tình trạng mất an ninh lương thực chưa từng có ở các vùng miền Nam và Đông Nam Ethiopia, vùng đất khô cằn và bán khô hạn của Kenya và phần lớn lãnh thổ Somalia.
Tình hình tại vùng Sừng châu Phi - vốn được biết đến là khu vực thường xuyên chịu cảnh hạn hán - đã trở nên nghiêm trọng do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có tăng dân số, biến động kinh tế vĩ mô, đại dịch, nghèo đói cùng cực và xung đột - theo WFP.
Báo cáo của WFP nêu rõ vùng Sừng châu Phi là một trong những khu vực mất an ninh nghiêm trọng nhất, cao hơn đáng kể so với các khu vực khác trên thế giới. Nhu cầu nhân đạo ở khu vực này sẽ vẫn cao trong năm 2023 và cộng đồng quốc tế cần tăng hỗ trợ tại khu vực để bảo vệ mạng sống của người dân.
Cuối năm ngoái, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết có khoảng 20,2 triệu trẻ em ở các quốc gia thuộc vùng Sừng châu Phi đối mặt với nguy cơ đói, khát và bệnh tật nghiêm trọng./.