Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/12 kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nên là một "trung gian hòa giải công bằng" cho tranh cãi giữa nước này với Hy Lạp liên quan đến các nguồn tài nguyên dưới biển.
Thổ Nhĩ Kỳ đang là một ứng cử viên gia nhập EU, mới đây nảy sinh tranh chấp với Hy Lạp (một thành viên EU) về vùng lãnh thổ tại Đông Địa Trung Hải được cho là nhiều khí đốt.
Ankara đã khiến Hy Lạp và phần còn lại EU tức giận khi cử một tàu thăm dò và nhiều tàu của hải quân đến vùng biển tranh chấp.
Hy Lạp đang hối thúc EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Pháp ủng hộ lời kêu gọi của Hy Lạp, song không phải tất cả các nước khác cũng có chung quan điểm này do lo ngại một dòng người tị nạn sẽ tràn từ Thổ Nhĩ Kỳ vào EU.
Phát biểu tại họp báo chung với người đồng cấp Hungary, Peter Szijjarto, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu kêu gọi EU "cần đóng một vai trò trung gian công bằng."
[Thổ Nhĩ Kỳ muốn có thỏa thuận cùng có lợi trong tranh chấp với Hy Lạp]
Ông Cavusoglu nhấn mạnh chỉ có thể giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và ngoại giao. Về phần mình, ông Szijjarto cho rằng: "Dù muốn hay không, an ninh của châu Âu đang nằm trong tay Thổ Nhĩ Kỳ."
Trước đó, ngày 7/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ tin tưởng có thể đạt được với Hy Lạp "thỏa thuận đôi bên cùng có lợi" trong vấn đề khai thác nguồn tài nguyên ở vùng nước sâu tranh chấp.
Ông khẳng định trong vấn đề Đông Địa Trung Hải, Ankara muốn sự hợp tác và công bằng và để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các cuộc đàm phán phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ không khuất phục trước những lời đe dọa trừng phạt, đồng thời kêu gọi các cuộc đàm phán phải bao gồm sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong khu vực.
Các lãnh đạo của EU sẽ đưa ra quyết định cuối cùng tại Hội nghị thượng đỉnh dự kiến vào ngày 10-11/12 tới./.