Ngày 24/6, Hiệp hội giao lưu phổ cập ngôn ngữ các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản đã tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ hai tại khuôn viên Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản ở thủ đô Tokyo.
Tổng cộng có gần 565 lượt thí sinh với nhiều lứa tuổi tham gia kỳ thi, tăng mạnh so với con số 379 lượt thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi lần thứ nhất vào năm 2017.
Kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ hai chia thành 6 cấp độ, trong đó cấp thấp nhất là cấp cận 6 - cấp nhập môn tiếng Việt, tiếp theo các cấp độ được nâng dần từ cấp 6 lên đến cấp 2.
Mức lệ phí thấp nhất là của cấp cận 6 với số tiền 3.000 yen (khoảng 600.000 đồng), tiếp đó cấp 6 là 3.500 yen, cấp 5 là 4.500 yen, cấp 4 là 5.500 yen, cấp 3 là 6.500 yen, cấp 2 là 8.000 yen.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho những thí sinh còn do dự, chưa xác định được năng lực tiếng Việt của mình chính xác ở cấp độ nào, các thí sinh được phép đăng ký thi hai cấp độ với mức lệ phí ưu đãi hơn. Mức lệ phí cho một thí sinh thi hai cấp độ 2+3 là 14.500 yen (3,1 triệu đồng), cấp độ 3+4 là 12.000 yen (2,4 triệu đồng), cấp độ 4+5 là 10.000 yen, cấp độ 5+6 là 8.000 yen và cấp độ 6 + cận 6 là 6.500 yen. Cấp 5 là cấp độ có số lượt thí sinh đăng ký thi nhiều nhất với tổng cộng 128 lượt người. Cấp độ 2, cấp độ khó nhất tại kỳ thi lần này, có lượt thí sinh thấp nhất với 54 lượt.
[Đối thoại kinh tế Việt-Nhật: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai nước]
Chủ tịch Hội đồng thi Năng lực tiếng Việt, ông Yanagisawa Yoshio, cho biết kỳ thi đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các thí sinh từ nhiều địa phương trên khắp Nhật Bản, từ các địa phương lân cận Tokyo như tỉnh Chiba, Saitama, Kanagawa... đến các thí sinh đến từ những điểm cực Đông, cực Tây của Nhật Bản như Hokkaido và Okinawa, các thí sinh đến từ các tỉnh Aomori, Kumamoto...
Tổng cộng có 27 địa phương có thí sinh tham dự kỳ thi lần này. Nhiều thí sinh ở các tỉnh xa đã đáp tàu Shinkansen đến Tokyo sáng 24/6 để tham dự kỳ thi. Độ tuổi trung bình của thí sinh là khoảng 40 tuổi, trong đó thí sinh cao tuổi nhất là 82 tuổi và thí sinh trẻ tuổi nhất là một học sinh trung học phổ thông 15 tuổi.
Đặc biệt, năm nay có một số lượng đáng kể thí sinh là những người Nhật Bản đang làm việc tại Việt Nam, đã về Tokyo trong dịp này để tham gia kỳ thi.
Anh Đinh Sỹ Diên, giáo viên chịu trách nhiệm làm đề thi, cho rằng khác với kỳ thi lần thứ nhất, trong kỳ thi lần thứ hai, các thí sinh đã xác định được năng lực tiếng Việt của mình để lựa chọn trình độ phù hợp.
Chủ tịch Hiệp hội giao lưu phổ cập ngôn ngữ các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản, ông Fujino Masayoshi cho rằng Việt Nam và Nhật Bản có lịch sử quan hệ hữu nghị lâu dài. Trên cơ sở mong muốn quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc hơn cả trên lĩnh vực kinh tế và văn hóa, Hiệp hội tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Việt duy nhất tại Nhật Bản nhằm tăng số lượng người Nhật Bản có thể nói tiếng Việt, tăng cường giao lưu giữa hai nước. Đi kèm việc học ngôn ngữ của một quốc gia là việc học văn hóa, lịch sử của quốc gia đó, điều này sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát triển quan hệ hai nước.
Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội giáo dục phi lợi nhuận Bunsai Gakuen, ông Ise Yoji, cho biết trong năm 2018, quan hệ song phương tiếp tục phát triển vô cùng mạnh mẽ. Dấu mốc mới nhất là chuyến thăm cấp nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang với tư cách là quốc khách và sự đón tiếp trang trọng, nồng ấm của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản dành cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Ông Ise cho rằng hai nước đã có lịch sử giao lưu từ cách đây hàng trăm năm và đều là những quốc gia có văn hóa, lịch sử lâu đời. Trong thời đại ngày nay, quan hệ hợp tác kinh tế của hai nước đặc biệt phát triển mạnh với việc các doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư, sản xuất và số người Việt Nam đến Nhật Bản học tăng mạnh.
Với mong muốn đóng góp vào quá trình phát triển sự giao lưu hợp tác này, Hiệp hội giao lưu phổ cập ngôn ngữ các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản đã chọn tiếng Việt là ngôn ngữ đầu tiên để tổ chức thi năng lực quy mô quốc gia.
Ông Ise cho rằng kỳ thi năng lực tiếng Việt được tổ chức quy mô và bài bản, có độ tin cậy cao duy nhất tại Nhật Bản là yếu tố quan trọng giúp cho lượt thí sinh đăng ký năm nay tăng mạnh so với kỳ thi lần thứ nhất. Với kinh nghiệm tích lũy sau mỗi một lần tổ chức, ông bày tỏ hy vọng càng về sau, kỳ thi này sẽ được tổ chức một cách chuyên nghiệp hơn, thu hút lượng thí sinh đông đảo hơn.
Ông Phạm Quang Hưng, Bí thư thứ nhất phụ trách giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết việc kỳ thi năng lực tiếng Việt được tổ chức lần thứ hai với số lượt thí sinh tăng mạnh thể hiện cho xu hướng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang có bước phát triển ngày càng chặt chẽ.
Ông cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản hỗ trợ để giúp cho kỳ thi có tính khách quan cao và đánh giá chính xác năng lực của các thí sinh, đồng thời hỗ trợ sự phối hợp với các khoa tiếng Việt tại các trường đại học của Việt Nam, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của kỳ thi này.
Phát biểu sau khi hoàn thành bài thi cấp cận 6, thí sinh Yamaishi Natsumi, 18 tuổi, sinh viên của Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản bày tỏ vui mừng vì đã tham gia kỳ thi lần này. Em cho rằng bài thi đã giúp em có thêm những kiến thức về Việt Nam thông qua các câu chuyện về ẩm thực, văn hóa Việt Nam. Với Natsumi, động lực để học tiếng Việt chính là những người bạn Việt Nam thân thiện mà em thường có cơ hội giao lưu.
Anh Hitoshi Tomita, hiện đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam, sau khi kết thúc bài thi cấp độ 3 đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN bằng tiếng Việt. Anh cho biết động lực anh học tiếng Việt không chỉ là vì công việc mà còn vì anh yêu mến đất nước, con người Việt Nam.
Theo kế hoạch, kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ ba sẽ được tổ chức vào ngày 23/6/2019./.