Tổ chức NATO kêu gọi Kosovo hạ nhiệt căng thẳng với Serbia

Người phát ngôn NATO Oana Lungescu nói: "Chúng tôi hối thúc các thiết chế ở Kosovo ngay lập tức hạ nhiệt căng thẳng; kêu gọi tất cả các bên giải quyết tình hình bằng đối thoại."
Tổ chức NATO kêu gọi Kosovo hạ nhiệt căng thẳng với Serbia ảnh 1Hình ảnh sau cuộc đụng độ giữa cảnh sát Kosovo và những người biểu tình thuộc sắc tộc Serbia ngày 26/5. (Nguồn: Reuters)

Ngày 27/5, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hối thúc Kosovo giảm căng thẳng với Serbia, một ngày sau khi chính quyền Kosovo dùng vũ lực tiếp cận các tòa nhà hành chính ở khu vực của người sắc tộc Serbia thuộc phía Bắc vùng lãnh thổ này, để hỗ trợ các thị trưởng sắc tộc Albania mới được bầu đến văn phòng làm việc.

Các cuộc đụng độ đã xảy ra hôm 26/5 giữa cảnh sát Kosovo và những người biểu tình phản đối các thị trưởng sắc tộc Albania, khiến Serbia đặt quân đội trong tình trạng báo động chiến đấu toàn diện và điều động các đơn vị tiến sát các khu vực biên giới.

Trên tài khoản Twitter, người phát ngôn NATO Oana Lungescu nói: "Chúng tôi hối thúc các thiết chế ở Kosovo ngay lập tức hạ nhiệt căng thẳng; kêu gọi tất cả các bên giải quyết tình hình bằng đối thoại."

Bà cho biết KFOR, phái bộ gìn giữ hòa bình do NATO đứng đầu ở Kosovo, vẫn đang cảnh giác cao độ trước diễn biến hiện nay.

[Serbia, vùng lãnh thổ Kosovo và EU thành lập Ủy ban giám sát chung]

Cùng ngày, Đại sứ quán Nga tại Serbia đã chỉ trích hành động của chính quyền Kosovo nhằm chiếm giữ các tòa nhà hành chính ở những khu đô thị của người sắc tộc Serbia.

Trước đó, ngày 26/5, Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Đức đã ra tuyên bố chung kêu gọi chính quyền Kosovo lùi bước, giảm leo thang căng thẳng.

Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: "Các hành động của Kosovo đã đi ngược khuyến cáo của Mỹ và Liên minh châu Âu, đẩy căng thẳng lên cao một cách không cần thiết và làm suy yếu nỗ lực bình thường hóa quan hệ Kosovo-Serbia, cũng như ảnh hưởng quan hệ song phương giữa chúng tôi và Kosovo."

Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia từ năm 2008. Vùng lãnh thổ này có khoảng 1,8 triệu dân, 90% là người gốc Albania.

Khoảng 120.000 người gốc Serbia sống tại miền Bắc Kosovo không công nhận chính quyền này. Họ trung thành về mặt chính trị với CH Serbia, quốc gia hỗ trợ tài chính cho cộng đồng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.