Tổ chức Sea Watch kiện Italy do từ chối tiếp nhận người di cư

Tổ chức phi chính phủ Sea Watch, Đức đệ đơn kiện Italy lên Tòa án Nhân quyền châu Âu về việc nước này không cho phép tàu cứu hộ Sea Watch 3 chở 47 người di cư cập các hải cảng của mình.
Tổ chức Sea Watch kiện Italy do từ chối tiếp nhận người di cư ảnh 1Người tị nạn trên tàu cứu hộ Sea Watch 3 sau khi họ được cứu tại khu vực ngoài khơi Libya ngày 19/1 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức phi chính phủ Sea Watch của Đức đã đệ đơn kiện Italy lên Tòa án Nhân quyền châu Âu về việc nước này không cho phép tàu cứu hộ Sea Watch 3 chở 47 người di cư cập các hải cảng của mình.

Phát biểu ngày 29/1, người phát ngôn của Sea Watch, ông Ruben Neugebauer, cho biết đơn kiện đã được gửi đi ngày 25/1 vừa qua sau khi giới chức Italy tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn với những người di cư châu Phi được cứu thoát trên Địa Trung Hải.

Ông chỉ trích việc Italy đang tìm cách đẩy những người di cư này sang Hà Lan hoặc Đức và cho rằng Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini đang "coi những người di cư trên tàu như các con tin chính trị."

Ông Neugebauer nhấn mạnh luật biển quốc tế quy định rõ ràng những con tàu gặp nạn trên biển "phải được đưa tới các cảng an toàn gần nhất."

Tàu Sea Watch 3 treo cờ Hà Lan, do tổ chức phi chính phủ Sea Watch của Đức điều hành, đã cứu những người di cư và tị nạn cách đây nhiều ngày khi họ đang cố vượt Địa Trung Hải trên chiếc thuyền hơi cao su để tới châu Âu. Kể từ đó, Malta và Italy, hai quốc gia EU gần nhất, luôn từ chối tiếp nhận những người di cư này.

[Vấn đề người di cư: Italy dọa kiện thủy thủ đoàn tàu Sea Watch 3]

Ngày 29/1, Bộ trưởng Salvini tuyên bố 47 người di cư trên tàu Sea Watch 3 chỉ có thể xuống tàu vào Italy nếu họ đồng ý sẽ lập tức rời nước này để sang Đức hoặc Hà Lan.

Tuy nhiên, trước đó một ngày, Chính phủ Hà Lan đã bác bỏ lời kêu gọi tiếp nhận nhóm người di cư trên của Rome.

Hà Lan nhấn mạnh tàu Sea Watch 3 hoạt động độc lập và trong tình huống hiện tại, thuyền trưởng của tàu có nhiệm vụ tự tìm kiếm một cảng biển gần nhất để đưa 47 người di cư lên bờ an toàn.

Việc tiếp nhận những người di cư trên Địa Trung Hải thường xuyên gặp khó khăn kể từ khi Italy hạn chế tiếp nhận các tàu chở người di cư cập cảng nước này từ mùa Hè năm 2018.

Trước đó, hồi đầu tháng Một này, trong một vụ tranh cãi tiếp nhận người di cư tương tự, EU đã phải can thiệp để dàn xếp một thỏa thuận phân bổ người di cư trên 2 tàu (trong đó có tàu Sea Watch 3) giữa 8 nước châu Âu.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, trong năm 2018 có khoảng 113.482 người vượt Địa Trung Hải để vào châu Âu, và có 2.262 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong hành trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.