Tổ chức trọng thể kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Sáng 23/4, Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906-24/4/2016) đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Sáng 23/4, Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906-24/4/2016) đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh.

Tham dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh và gia đình, dòng họ, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên - quê hương đồng chí Hà Huy Tập; đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và một số địa phương của nước bạn Lào.

Lễ kỷ niệm bắt đầu với Chương trình nghệ thuật “Hà Huy Tập - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung.”

Đọc diễn văn kỷ niệm, đồng chí Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập.

Sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, Tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, được thừa hưởng các giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương, ngay từ nhỏ, đồng chí Hà Huy Tập đã thể hiện tư chất thông minh, yêu nước, đầy nhiệt huyết.

Với 35 năm tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng, trong đó gần 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng vững bước tiến lên.

Giữa lúc cao trào cách mạng của cả nước đang diễn ra sôi nổi, ngày 1/5/1938, đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt, kết án 2 tháng tù và 5 năm quản thúc tại quê nhà. Ngày 30/3/1940, đồng chí bị Thực dân Pháp bắt lần hai và đưa vào giam ở Khám Lớn Sài Gòn.

Thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn, nhưng chúng đành phải khuất phục trước chí khí kiên cường, bản lĩnh vững vàng của người chiến sỹ cộng sản.

Ngày 25/3/1941, chính quyền Thực dân mở phiên tòa đại hình đưa ra xét xử hàng trăm chiến sỹ cộng sản, trong đó có đồng chí Hà Huy Tập.

Trước tòa án Thực dân, đồng chí Hà Huy Tập đã khảng khái nói: “ Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn tiếp tục hoạt động."

Ngày 28/8/1941, tại trường bắn Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) đồng chí bị Thực dân Pháp xử bắn cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần...

Đồng chí Hà Huy Tập đã hy sinh ở độ tuổi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo, cống hiến cho cách mạng.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta nhiều bài học quý báu, đó là tinh thần không ngừng học tập vươn lên trong nghiên cứu lý luận của Đảng, gắn lý luận với thực tiễn, vận dụng lý luận giải quyết linh hoạt, sáng tạo các vấn đề thực tiễn, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ do Đảng và Nhân dân giao phó, góp phần nâng cao tầm trí tuệ, văn hóa lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực công tác, tư duy lý luận sắc bén để bảo vệ hệ tư tưởng, quan điểm của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Bài học về quan tâm công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, về bản lĩnh chính trị của Đảng trước các tình huống khó khăn, thử thách và vai trò, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ lãnh đạo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Đảng. Bài học về tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, thật sự vì nước, vì dân.

Noi gương đồng chí Hà Huy Tập và các lãnh tụ cách mạng tiền bối, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đã vượt qua gian khổ, hy sinh, đứng lên lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh qua các thời kỳ đã phát huy những truyền thống tốt đẹp, nêu cao tinh thần tiến công, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh không ngừng sáng tạo, phát huy lợi thế so sánh, tìm hướng đi phù hợp để phát triển toàn diện, bền vững. Kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt trên 18%.

Toàn tỉnh có 23% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu ngân sách của tỉnh năm 2015 đạt trên 12.000 tỷ đồng. Lĩnh vực văn hóa-xã hội đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Hà Tĩnh luôn là một trong 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về giáo dục đào tạo. Kết thúc năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Hà Tĩnh còn 11,4%.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của Đảng được nâng lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn Đảng bộ đã chủ động linh hoạt triển khai chương trình hành động nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng gắn với Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ...

Trong thời gian tới, Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh không ngừng kế tục và phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc số ng; tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; quan tâm phát triển đồng đều giữa các vùng, miền, trên các lĩnh vực; thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; triển khai đồng bộ và hiệu quả hoạt động đối ngoại; tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới. Kiên trì, kiên quyết thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với việc Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nguyện chung sức đồng lòng, đoàn kết, thống nhất quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại xứng đáng là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú và Tổng Bí thư Hà Huy Tập, góp phần sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đoàn viên Hồ Thị Minh Phương, đại diện thế hệ trẻ Hà Tĩnh bày tỏ lòng thành kính tri ân người cộng sản trẻ tuổi kiên trung-Tổng Bí thư Hà Huy Tập; nguyện sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình, viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của quê hương, đất nước; nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, xung kích tình nguyện, biến ý chí, lòng khâm phục các vị tiền bối cách mạng và Tổng Bí thư Hà Huy Tập thành hành động cụ thể; tin tưởng, đi theo con đường Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; dưỡng “Tâm trong,” rèn “ Trí sáng,” xây “Hoài bão lớn” góp phần đưa Hà Tĩnh ngày càng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã đề ra.

Trước đó, sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến dâng hương, dâng hoa và trồng cây lưu niệm tại Khu Lăng mộ Tổng Bí thư Hà Huy Tập; dâng hương, thăm Nhà trưng bày tại Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục