Ngày 20/2, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Cuộc làm việc nhằm đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng đã giao Ủy ban; đồng thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.
Hoàn thiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu
Báo cáo với Tổ công tác, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã giải quyết 2 nhóm công việc gồm: những việc các bộ chưa hoàn thành, chuyển giao về Ủy ban tiếp tục xử lý và những việc mới thuộc trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu sau khi Ủy ban tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty.
Theo đó, Ủy ban đã tiếp tục chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan xử lý 259 vụ việc các doanh nghiệp đang trình các bộ trong đó có nhiều công việc phức tạp, khó khăn, vướng mắc, tồn đọng qua nhiều năm…
Đến nay, Ủy ban đã xử lý xong theo thẩm quyền hoặc đã hoàn thành việc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc chỉ đạo các doanh nghiệp phương hướng xử lý 201/259 vụ việc (đạt 77,6%).
Năm 2019, đa số các tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các chỉ tiêu do Ủy ban giao; doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên; vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được bảo tồn và phát triển…
Đối với các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban đã hoàn thành 156/185 nhiệm vụ (đạt 84,3%); đang xử lý 29/185 nhiệm vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Ủy ban cũng nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Ủy ban gặp khó khăn trong việc thu hút các cán bộ có chuyên môn giỏi, có năng lực, kinh nghiệm từ các bộ và từ khu vực doanh nghiệp về.
Trong quá trình thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu với các dự án đầu tư tại doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất của Ủy ban là thẩm quyền phê duyệt dự án của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến nhiều cách hiểu không thống nhất trong nội bộ Ủy ban, giữa các bộ, ngành, các doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn có các khó khăn khác liên quan đến việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp, nhất là các nội dung liên quan tới nhà đất...
[Các bộ, ngành phải phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước]
Từ những vướng mắc này, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các quy định pháp luật nhằm hoàn thiện chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện, phối hợp với Ủy ban trong việc điều động cán bộ có năng lực, chuyên môn và vị trí việc làm phù hợp về Ủy ban công tác.
Về rà soát, sắp xếp phương án sử dụng đất và cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ Tài chính, các địa phương có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban xem xét, xử lý phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp đang hoặc chuẩn bị thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Tập trung xử lý các nhiệm vụ
Tại buổi làm việc, đại diện các tập đoàn, tổng công ty đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc, kiến nghị Ủy ban, Chính phủ sớm xem xét, xử lý.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực (EVN), cho biết, trong năm 2019, EVN được Chính phủ, Thủ tướng giao 209 nhiệm vụ, đã hoàn thành 192 nhiệm vụ.
Còn 17 nhiệm vụ chưa hoàn thành những vẫn còn trong hạn, EVN đang tiếp tục triển khai thực hiện, thuộc các loại: nhiệm vụ về bảo đảm cung ứng điện; nhiệm vụ về cổ phần hóa, thoái vốn...
EVN kiến nghị Tổ công tác, Ủy ban Quản lý vốn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường áp dụng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng và ban hành cơ chế giá điện 2 thành phần; sớm xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù để đầu tư các dự án điện cấp bách...
Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), tổng lượng khách trên các đường bay đang suy giảm trầm trọng.
Cụ thể, lượng khách từ Việt Nam đi nước ngoài giảm 50% so với cùng kỳ. Lượng khách đi nội địa cũng giảm từ 40-50%.
Bên cạnh đó, các đường bay Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang lao dốc rất mạnh, hiện nay sụt giảm khoảng 50%, nhưng Vietnam Airlines dự báo trong giai đoạn tới sẽ sụt giảm 70%.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải do dịch COVID-19, ông Phạm Ngọc Minh cho biết, đơn vị đã tổng hợp, có báo cáo gửi Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Giao thông Vận tải.
Trên cơ sở những phân tích, dự báo về dịch bệnh, doanh nghiệp đã tính đến các phương án cắt giảm quy mô, thu hẹp quy mô sản xuất, tái cấu trúc nguồn lực để phù hợp với hoàn cảnh.
Đại diện Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, có cơ chế giảm thuế nhập khẩu, thuế môi trường đối với nhiên liệu của máy bay trong thời gian có dịch; đồng thời, xem xét lùi thời hạn nộp các khoản ngân sách trong thời gian dịch bệnh để hỗ trợ cân đối dòng tiền.
Đại diện Vietnam Airlines cũng kiến nghị các bộ, ngành nới lỏng chính sách visa để thu hút du khách, hỗ trợ du lịch.
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, cũng cho biết ngành than đang chịu tác động không nhỏ do dịch COVID-19, bởi Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng của ngành than.
Ông Lê Minh Chuẩn đề nghị Tổ công tác báo cáo Thủ tướng xem xét có cơ chế đặc thù với các dự án nhiệt điện, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn. Về đất đai, Chính phủ nên có chỉ đạo quyết liệt nhất là hướng dẫn về giá trị đất đai, sử dụng đất đai sau cổ phần hóa.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác, nêu rõ: Thời gian qua, Ủy ban đã hoàn thành 201/259 nhiệm vụ được chuyển giao từ các bộ, ngành, dù gặp nhiều khó khăn.
Ủy ban cũng cơ bản bám sát và thực hiện tốt 16 nhiệm vụ được giao theo chức năng tại Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Với 185 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao từ ngày 1/10/2018 tới nay, Ủy ban cũng đã hoàn thành phần lớn, chỉ có 2 nhiệm vụ quá hạn và 26 nhiệm vụ trong hạn đang xử lý.
Tổ phó Tổ công tác đề nghị Ủy ban khẩn trương hoàn thành 2 nhiệm vụ quá hạn, trong đó có việc tổng kết thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP. Ủy ban tập trung xử lý các nhiệm vụ trong hạn, đồng thời xử lý các kiến nghị của các doanh nghiệp.
Các bộ, ngành cũng cần khẩn trương xử lý các kiến nghị của Ủy ban và các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Tổ công tác sẽ tổng hợp các vấn đề tại cuộc làm việc, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới./.