Tòa án châu Âu phán quyết Ba Lan, Hungary và Séc vi phạm luật của EU

Tòa án Công lý châu Âu ngày 2/4 ra phán quyết Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc đã vi phạm luật của Liên minh châu Âu khi từ chối tiếp nhận người tị nạn.
Tòa án châu Âu phán quyết Ba Lan, Hungary và Séc vi phạm luật của EU ảnh 1Trẻ em tại một trại tị nạn ở Lesbos, Hy Lạp, ngày 5/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tòa án Công lý châu Âu (CJE) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/4 ra phán quyết cho rằng Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc đã vi phạm luật pháp EU khi không tiếp nhận số người di cư theo tỷ lệ được phân bổ nhằm giảm gánh nặng cho các nước thành viên phía Nam như Hy Lạp.

CJE cho biết vấn đề chia tỷ lệ tiếp nhận người di cư đã làm suy giảm tình đoàn kết nội khối nhiều năm qua.

Phán quyết nêu rõ: "Khi từ chối tuân thủ cơ chế tạm thời để tái phân bổ người xin tị nạn, Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc đã không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp EU."

Trước đó, các nước thành viên EU đã chia rẽ sâu sắc kể từ khi EU thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn vào năm 2015.

[Đức tiếp nhận trẻ vị thành niên đặc biệt khó khăn từ các trại tị nạn]

Khi đó, CJE đã yêu cầu các nước trong khối chung tay giải quyết vấn đề này trên cơ sở nhận một lượng người nhập cư nhất định.

Trong khi các nước lớn có tiềm lực kinh tế như Đức nhận 20%, Pháp nhận 15% thì các nước ở Đông Âu như Hungary, Slovakia nhận khoảng 1-2%.

Dù việc phân chia này đã được EU thông qua theo đa số hồi tháng 9/2015, nhưng kế hoạch phân bổ trên đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước Trung và Đông Âu, trong đó có CH Séc, Slovakia, Romania và Hungary.

Các dòng người di cư đi tìm "miền đất hứa" ở châu Âu đã giảm mạnh trong vài tháng, trước khi tăng trở lại từ năm 2019, đặc biệt gần đây, khi hàng chục nghìn người di cư và tị nạn đồ về khu vực biên giới giữa Hy Lạp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo nguồn tin Chính phủ Hy Lạp, ít nhất 40.000 người vượt biên trái phép vào Hy Lạp đã được chặn lại ở biên giới trên bộ kể từ cuối tháng 2 sau khi chính quyền Ankara bất ngờ mở cửa biên giới cho người di cư tràn sang châu Âu nhằm gây sức ép với EU về cuộc xung đột ở Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.