Tòa án Hiến pháp Đức ngày 10/3 ra phán quyết khẳng định các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không thể viện dẫn quyền hiến định của Đức để tìm cách nhập cảnh vào nước này vì mục đích chính trị.
Phán quyết này được công bố trong bối cảnh quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt căng thẳng sau khi Berlin hủy một loạt các cuộc míttinh của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức có sự tham gia của các quan chức cấp cao Ankara nhằm vận động cho cuộc trưng cầu ý dân về dự luật sửa đổi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến diễn ra ngày 16/4 tới.
Trong phán quyết nói trên, Tòa án Hiến pháp Đức bác bỏ khiếu nại của một công dân Đức về sự xuất hiện của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tại thị trấn Oberhausen hôm 18/2, khẳng định quyền lợi hợp pháp của công dân này không bị xâm phạm.
Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp Đức khẳng định lãnh đạo cùng các quan chức chính phủ cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ không thể lợi dụng quyến hiến định của Đức để nhập cảnh vào nước này và lấy cớ biện minh cho các bài phát biểu.
Ngay sau khi phán quyết được công bố, người phát ngôn Ngoại trưởng Đức cho biết ông hi vọng phán quyết này không làm thay đổi quan điểm của Chính phủ Đức về sự hiện diện của một số người đứng đầu cơ quan bộ ngành của Thổ Nhĩ Kỳ tại các cuộc míttinh đã được lên kế hoạch sắp tới.
Ông cho biết các cuộc míttinh này do một số tổ chức cá nhân tại Đức tiến hành theo khuôn khổ luật pháp nhà nước Liên bang Đức quy định.
Ông tái khẳng định lập trường của Đức mong muốn các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng và thực hiện đúng quy định pháp luật của Đức.
Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cung cấp cho phía Đức một danh sách các quan chức chính phủ có thể tới Đức trong thời gian tới, bao gồm Bộ trưởng Thể thao và Bộ trưởng Gia đình Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào tình trạng hết sức căng thẳng thời gian gần đây, với việc Berlin nhiều lần chỉ trích các hoạt động trấn áp của Ankara sau vụ đảo chính bất thành, đặc biệt sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ phóng viên Deniz Yucel làm việc cho tờ Die Welt của Đức hồi tháng Hai vừa qua, với cáo buộc tuyên truyền khủng bố và kích động hận thù.
Căng thẳng tiếp tục leo thang khi nhà chức trách Đức tuyên bố hủy các cuộc mít tinh lớn của cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại nhiều địa điểm ở nước này như Gaggenau, Cologne và Frechen mà theo kế hoạch có sự tham gia của một số quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo kết quả thăm dò do Forschungsgruppe Wahlen thực hiện, có 83% người dân Đức cho rằng các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ không được phép tiến hành vận động chính trị tại Đức, trong khi có 15% người có quan điểm ngược lại.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hà Lan ngày 9/3 tuyên bố nước này từ chối ủng hộ chuyến thăm của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tới Hà Lan để vận động chính trị./.