Tòa án Hiến pháp Nga thông qua các đề xuất sửa đổi Hiến pháp

Các sửa đổi này đã được hai viện Quốc hội Nga-Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng như hội đồng lập pháp của 85 chủ thể Liên bang Nga thông qua.
Tòa án Hiến pháp Nga thông qua các đề xuất sửa đổi Hiến pháp ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin tại phiên họp Duma quốc gia Nga ở Moskva, ngày 10/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/3, Tòa án Hiến pháp Nga đã thông qua các đề xuất sửa đổi Hiến pháp của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Quyết định này đã được đăng trên trang chủ của Tòa án Hiến pháp và gửi tới Tổng thống Putin.

Trước đó, Tổng Putin đã ký ban hành luật sửa đổi Hiến pháp.

Các sửa đổi này đã được hai viện Quốc hội Nga-Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng như hội đồng lập pháp của 85 chủ thể Liên bang Nga thông qua.

Do các yêu cầu mới, các sửa đổi này sẽ áp dụng với tổng thống, các thành viên của chính phủ và các quan chức chính phủ ở nhiều cấp độ, củng cố an sinh xã hội đối với công dân, trao thêm quyền lực cho quốc hội, thiết lập vị thế của tiếng Nga.

Các sửa đổi này cũng cho phép tổng thống đương nhiệm ra tranh cử lại vào năm 2024.

Sau khi được Tòa án Hiến pháp thông qua, Tống thống Putin sẽ yêu cầu tiến hành cuộc bỏ phiếu toàn quốc về văn bản sửa đổi. Tất cả các công dân Nga trên 18 tuổi sẽ có quyền đi bỏ phiếu. Cuộc bỏ phiếu được lên kế hoạch vào ngày 22/4 tới.

Sau đó, Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (CEC) trong vòng 5 ngày sẽ xác định kết quả bỏ phiếu và công bố kết quả bỏ phiếu sau 3 ngày.

Nếu Luật sửa đổi Hiến pháp nhận được hơn 50% số phiếu ủng hộ, sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày kết quả bỏ phiếu được công bố.

Những quy định này được đưa vào Điều 3 Luật Sửa đổi Hiến pháp.

Nếu các sửa đổi được người dân Nga chấp thuận, Tổng thống Putin sẽ ban hành sắc lệnh về việc chính thức công bố Hiến pháp sửa đổi và ngày có hiệu lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.