Ngày 29/10, Tòa án hiến pháp Peru đã chấp nhận yêu cầu của phe đối lập xem xét cáo buộc Tổng thống Martin Vizcarra lạm quyền liên quan quyết định giải tán quốc hội cuối tháng 9 vừa qua.
Chính trường Peru rơi vào khủng hoảng sau khi mâu thuẫn giữa Tổng thống Martin Vizcarra và phe đối lập leo thang, đỉnh điểm là việc Tổng thống Vizcarra tuyên bố giải tán quốc hội do phe đối lập kiểm soát và ấn định tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn vào tháng 1/2020.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Pedro Olaechea cáo buộc Tổng thống Vizcarra lạm quyền và yêu cầu Tòa án Hiến pháp Peru ra phán quyết về vụ việc.
[Peru: Không chấp thuận việc Phó Tổng thống Araoz xin từ chức]
Chánh án Tòa án Hiến pháp Peru Ernesto Blume cho biết, trong một cuộc bỏ phiếu kín, các thẩm phán đã nhất trí chấp nhận yêu cầu của ông Olaechea xem xét cáo buộc đối với Tổng thống Vizcarra.
Tuy nhiên, các thẩm phán đã bác bỏ yêu cầu triệu tập quốc hội trở lại làm việc ngay lập tức và hủy kế hoạch bầu cử vào ngày 26/1/2020.
Theo luật pháp Peru, Chính phủ sẽ có 30 ngày để đưa các luận điểm phản bác lên Tòa án Hiến pháp. Tòa sẽ tổ chức phiên xử để hai bên tranh biện. Sau đó, Tòa án Hiến pháp có 30 ngày để đưa ra phán quyết cuối cùng và đây sẽ là phán quyết không được kháng cáo.
Hiện Tổng thống Martin Vizcarra ngày càng nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng đối với đường lối chống tham nhũng của ông, trong khi 4 Tổng thống tiền nhiệm đã bị điều tra tham nhũng./.