Xung đột giữa tổng thống và quốc hội gây xáo trộn chính trường Peru

Các nghị sỹ đối lập đã cáo buộc Tổng thống Vizcarra vượt quá ranh giới của hiến pháp, và khẳng định họ sẽ tìm cách lật đổ ông, cho rằng ông "thiếu đạo đức để điều hành chính phủ."
Xung đột giữa tổng thống và quốc hội gây xáo trộn chính trường Peru ảnh 1Tổng thống Peru Martin Vizcarra. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/9, chính trường Peru rơi vào xáo động và xung đột khi đúng vào thời điểm Tổng thống Martin Vizcarra tuyên bố giải tán quốc hội với lý do "bất tuân" những cảnh báo của ông, thì cơ quan lập pháp một viện của nước này cũng tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ với kết quả 50 phiếu thuận, 31 phiếu chống và 13 phiếu trắng.

Ngay sau đó, Quốc hội Peru đã tuyên bố bắt đầu thảo luận vấn đề luận tội tổng thống, đồng thời thông qua nghị quyết đình chỉ chức vụ đối với Tổng thống Martin Vizcarra trong thời gian một năm.

Tổng thống M. Vizcarra nhấn mạnh quyết định của mình là một phần trong các quyền hiến định và khẳng định ông sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử cơ quan lập pháp mới.

[Tổng thống Peru đề nghị cắt ngắn hiệm kỳ, kêu gọi bầu cử trước hạn]

Trước đó, trong một phiên họp toàn thể, các nghị sỹ đối lập đã cáo buộc Tổng thống Vizcarra vượt quá ranh giới của hiến pháp, và khẳng định họ sẽ tìm cách lật đổ ông, cho rằng ông "thiếu đạo đức để điều hành chính phủ."

Thủ tướng Peru Salvador del Solar trước đó đã đệ trình quốc hội xem xét vấn đề tín nhiệm chính phủ do mâu thuẫn giữa nhánh hành pháp và lập pháp về bầu ủy viên Tòa án Hiến pháp.

Sau đó Quốc hội Peru đã bỏ phiếu bầu ủy viên Tòa án Hiến pháp, bất chấp Tổng thống Vizcarra cảnh báo sẽ giải tán quốc hội nếu cơ quan này bầu ủy viên trước khi có phán quyết về tín nhiệm chính phủ.

Đề xuất luận tội tổng thống do một thành viên đảng "Sức mạnh nhân dân" chiếm 73 trong tổng số 130 ghế quốc hội đưa ra.

Nghị quyết được thảo luận nêu rõ ông Vizcarra không đủ năng lực đạo đức để giữ chức tổng thống.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, sau khi thông qua nghị quyết đình chỉ chức vụ đối với Tổng thống Martin Vizcarra trong thời gian 1 năm vì “thiếu đạo đức,” Quốc hội Peru cũng nhất trí để Phó Tổng thống Mercedes Aráoz tuyên thệ nhậm chức “Tổng thống lâm thời” theo đúng qui định của Hiến pháp.

Theo luật pháp Peru, khi chính phủ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm thì tổng thống phải chỉ định được một chính phủ mới để quốc hội phê chuẩn. Nếu chính quyền hành pháp không có được sự ủng hộ của quốc hội, tổng thống có quyền giải tán quốc hội và khởi xướng bầu cử trước thời hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.