Tòa án Hungary ra phán quyết trong tranh chấp với EU về người di cư

Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban không thừa nhận phán quyết của tòa án EU cho rằng Budapest vi phạm luật EU bảo vệ người di cư khi trục xuất họ đến biên giới với Serbia.
Người di cư vượt qua cửa khẩu biên giới tại Zakany, Hungary. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Hungary có quyền áp dụng các biện pháp riêng trong những lĩnh vực Liên minh châu Âu (EU) chưa thực hiện các bước thích hợp để thực hiện các quy tắc chung của EU.

Tòa án Hiến pháp Hungary ngày 10/12 đã ra phán quyết trên sau khi chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban không thừa nhận phán quyết của tòa án EU cho rằng Budapest vi phạm luật EU bảo vệ người di cư khi trục xuất họ đến biên giới với Serbia.

Trong phán quyết của mình, Tòa án Hiến pháp Hungary cho biết họ không xem xét vấn đề luật của EU đứng trên luật của Hungary dựa trên lập trường của Chính phủ Hungary về vấn đề người nhập cư.

Bộ trưởng Tư pháp Hungary Judit Varga trước đó đã bác bỏ phán quyết của tòa án EU vì cho rằng việc thực hiện phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu sẽ dẫn đến việc nhiều người di cư ở lại Hungary vĩnh viễn.

Thủ tướng Orban cũng cho rằng các tranh chấp giữa Hiến pháp Hungary với quy định của EU nên chuyển sang Tòa án Hiến pháp Hungary. Ông Orban cũng cho biết nếu phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hungary có lợi cho chính phủ nước này, ông sẽ thúc đẩy EU cải cách các quy định về người di cư.

[Liên minh châu Âu cảnh báo Ba Lan, Hungary về vấn đề pháp quyền]

Sau đó, trong cùng ngày, Ủy ban châu Âu ra tuyên bố cho rằng phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hungary dường như không thách thức tính ưu việt của luật pháp Liên minh châu Âu (EU) - vốn đã được 27 nước thành viên thống nhất và là nguyên tắc trung tâm của hội nhập liên minh.

Phát biểu với báo giới, một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết ủy ban này đang phân tích phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hungary, được ban hành sau khi chính quyền của Thủ tướng nước này Viktor Orban đề nghị phản bác phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) - vốn cho rằng Budapest đã vi phạm các quy tắc của EU trong việc bảo vệ người tị nạn khi trục xuất những người này về biên giới Serbia.

Một nước láng giềng của Hungary là Ba Lan cũng đã gây ra cuộc khủng hoảng pháp lý trong EU trong năm 2021 với việc Tòa án Hiến pháp nước này phán quyết rằng một số điều khoản của các hiệp ước của EU không tương thích với Hiến pháp Ba Lan.

Hiện nhiều cử tri ở cả Ba Lan và Hungary đều bày tỏ thái độ ủng hộ chính phủ của họ, bởi đa phần đều tỏ thái độ bất bình với nhiều biện pháp xã hội mà EU áp đặt đối với quốc gia của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục