Tòa án EU ra phán quyết bất lợi với Hungary về vấn đề người xin tị nạn

Phán quyết trên liên quan "vùng quá cảnh" Roszke, một khu trại tị nạn được xây dựng từ những thùng container dọc biên giới của Hungary với Serbia.
Tòa án EU ra phán quyết bất lợi với Hungary về vấn đề người xin tị nạn ảnh 1Người di cư và tị nạn tại khu vực biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ngày 14/5 đã ra phán quyết bất lợi với Hungary liên quan các trại tị nạn ở "vùng quá cảnh" tại biên giới với Serbia.

Phán quyết trên liên quan "vùng quá cảnh" Roszke, một khu trại tị nạn được xây dựng từ những thùng container dọc biên giới của Hungary với Serbia.

Phán quyết được đưa ra sau khi ECJ xem xét vụ kiện của một số gia đình người Iran và Afghanistan đã bị giam giữ hơn một năm sau khi đơn xin tị nạn của họ bị bác bỏ. Trong đó, 2 người Afghanistan và 2 người Iran từ Serbia đến Hungary vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

[LHQ: Cần quan tâm tới người di cư bị mắc kẹt do dịch COVID-19]

Những người này ở vùng quá cảnh Roszke và nộp đơn xin tị nạn. Nhà chức trách Hungary đã bác bỏ đơn của họ và buộc họ phải trở lại Serbia, nhưng phía Serbia không nhận họ. Những người này đã khiếu nại lên ECJ.

Theo ECJ, việc những người xin tị nạn bị mắc kẹt tại vùng quá cảnh nói trên thực chất là bị giam giữ, do đó một tòa án địa phương phải thả họ ngay lập tức.

Phán quyết của ECJ nêu rõ không được giam giữ người di cư trong các trại khi chưa xem xét từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, việc giam giữ cũng không được kéo dài quá 4 tuần kể từ ngày họ nộp đơn xin tị nạn.

Vụ việc trên là tranh cãi mới nhất giữa Liên minh châu Âu và chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban liên quan các chính sách chống nhập cư cứng rắn của nước này.

Theo người phát ngôn của Chính phủ Hungary, ông Zoltan Kovacs, lập trường của Budapest cho đến nay không thay đổi.

Ông Kovacs khẳng định các quy định pháp lý của Hungary phù hợp với luật quốc tế cũng như EU vì những người nhập cư có thể rời khỏi vùng quá cảnh theo hướng sang Serbia bất cứ khi nào.

Ông Kovacs nêu rõ "những người này không còn là đối tượng xin tị nạn vì đơn của họ đã bị bác cách đây rất lâu, vì thế họ không thể vào Hungary một cách hợp pháp"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.