Sáng nay (26/10), Quốc hội đã thảo luận và góp ý kiến về dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Theo đại biểu Huỳnh Thành Lập, bộ luật này ra đời là một bước đột phá và được kỳ vọng của rất nhiều người dân vì đã bám sát Hiến pháp 2013, đảm bảo quyền con người và quyền công dân.
Bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, đại biểu Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã trao đổi với báo chí về những điểm mới của bộ luật trên.
- Xin ông cho biết những điểm mới của bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) mà Quốc hội đang thảo luận và cho ý kiến.
Đại biểu Huỳnh Thành Lập: Những điểm mới mà trước đây chưa có là luật đã quy định việc tòa án không được từ chối những đơn khởi kiện dân sự vì lý do không có quy định của pháp luật để xét xử.
Có thể thấy, thời gian vừa qua đã có rất nhiều trường hợp bị tòa án từ chối xét xử vì cho rằng không có quy định để tòa giải quyết và thụ lý.
Tuy nhiên, với việc bổ sung thêm tại điều 4 của luật này, trong đó quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng là một điểm đột phá, giúp người dân tin tưởng hơn vào các quy định của pháp luật, đảm bảo tính pháp lý trong các thỏa thuận dân sự.
Một điểm mới nữa là vai trò của Viện kiểm sát tham gia trong việc giải quyết các vụ án dân sự, trong dự thảo luật lần này đã quy định Kiểm sát viên được quyền phát biểu khi hai bên đã tranh tụng với nhau.
Bên cạnh đó, luật cũng quy định rõ, kiểm sát viên được phát biểu quy trình thủ tục có đúng theo thủ tục tố tụng hay không chứ không phát biểu quan điểm bên nào đúng, bên nào sai. Việc này sẽ đảm bảo nguyên tắc việc dân sự cốt ở đôi bên.
- Hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về việc Kiểm sát viên chỉ nên giữ vai trò tố tụng, vậy quan điểm của ông như thế nào?
Đại biểu Huỳnh Thành Lập: Kiểm sát viên chỉ tham gia tố tụng thôi chứ không tiến hành tố tụng, như vậy là đúng bởi chúng ta phải giữ mức độ và tôn trọng quyền đôi bên vì Việc dân sự là phải do hai bên tham gia
Một điểm nữa theo tôi vẫn còn có nhiều ý kiến đó là việc giữa các bên tham gia dân sự đã thảo luận bên ngoài tòa án, hai bên thỏa thuận xong rồi thì có nhất thiết đưa vào cho tòa án công nhận hay không?
Có ý kiến là cần để đưa vào cho tòa án công nhận để đảm bảo tính lâu dài nhưng có ý kiến thì cho rằng nếu hai bên đã tự thỏa thuận thì đó là đủ và không cần để tòa công nhận.
- Vậy trong trường hợp tranh chấp, phá vỡ hợp đồng thì sao, thưa ông?
Đại biểu Huỳnh Thành Lập: Quan điểm của tôi, do việc "dân sự cốt ở đôi bên", chuyện dân sự là chuyện của dân, nếu người ta tự thỏa thuận được và lập biên bản thỏa thuận rồi thì không cần thiết phải kéo ra tòa để chứng nhận sự thỏa thuận đó.
Còn trong trường hợp lật lọng thì sau này sẽ trở thành một vụ án khác, vì việc thay đổi điều này hay điều kia khi đã được thỏa thuận thì nên đưa vào vụ việc riêng.
- Quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cần bổ sung thêm những điểm gì? nhất là quyền và trách nhiệm của đôi bên cần bổ sung theo hướng nào?
Đại biểu Huỳnh Thành Lập: Việc thể hiện như điều 4 tại luật tố tụng dân sự đang trình ra là đủ, vì những gì trước đây ổn định, không gây trở ngại cho các bên tham gia thì không cần bổ sung thêm.
- Xin cảm ơn ông./.