Tòa án Tây Phi ra phán quyết đình chỉ các biện pháp trừng phạt Mali

Quyết định đình chỉ các biện pháp trừng phạt Mali được tòa án của Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA) đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh bất thường trong khu vực bàn về vấn đề Mali.
Binh sỹ thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali làm nhiệm vụ tại Fafa, Mali, ngày 26/4/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/3, tòa án của Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA) đã ra phán quyết đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với Mali liên quan đến các cuộc bầu cử bị trì hoãn.

Tòa nêu quan điểm ủng hộ việc đình chỉ các biện pháp trừng phạt Mali dựa trên lập luận có cơ sở của các luật sư đại diện Chính phủ Mali cũng như quan ngại tới tác động kinh tế bất lợi mà các lệnh trừng phạt gây ra.

Phán quyết trên được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh bất thường trong khu vực diễn ra ở tại thủ đô Accra của Ghana để bàn về vấn đề Mali - quốc gia đang chịu áp lực phải khôi phục chế độ dân chủ sau cuộc đảo chính quân sự vào năm 2020.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ động thái này của tòa án UEMOA có dẫn đến việc dỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp trừng phạt Mali được áp đặt trước đó hay không.

Sau khi chính quyền quân sự đề xuất nắm quyền tối đa 5 năm, UEMOA và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao đối với quốc gia thuộc khu vực Sahel này vào tháng 1/2022.

Chính quyền của Mali coi các lệnh trừng phạt là bất hợp pháp và tuyên bố sẽ kháng cáo lên các tòa án quốc tế. Trong khi đó, ECOWAS đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm hối thúc chính quyền quân sự tại Mali tiến hành các cuộc bầu cử trong vòng 12 đến 16 tháng tới.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày tại thủ đô Bamako, Phái bộ Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) cho biết ít nhất 886 dân thường đã thiệt mạng, bị thương hoặc bị bắt cóc (mất tích) ở Mali trong 6 tháng cuối năm 2021.

Tuyên bố của MINUSMA nêu rõ 886 nạn nhân trên có liên quan đến các xu hướng vi phạm, lạm dụng luật nhân đạo quốc tế ở Mali. Trong số này có 318 người thiệt mạng, 225 người bị thương và 343 người mất tích và trong đó có 40 trẻ em cùng 65 phụ nữ.

Mặc dù vậy, tuyên bố nhấn mạnh số dân thường là nạn nhân của các hành vi bạo lực trong cùng thời gian này đã giảm nhẹ 7% so với 6 tháng đầu năm 2021.

[Chính phủ Mali yêu cầu UEMOA dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt]

Tình trạng bạo lực chủ yếu xảy ra ở miền Trung của nước này, đặc biệt là tại các vùng Bandiagara, Douentza, Mopti và Ségou, sau đó chuyển hướng sang các vùng ở miền Nam như Kayes, Koulikoro, Koutiala….

Kể từ năm 2012, Mali đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc trên nhiều lĩnh vực từ an ninh, chính trị cho đến kinh tế.

Các cuộc nổi dậy đòi độc lập, các cuộc tấn công của những phần tử thánh chiến và nạn bạo lực giữa các cộng đồng đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, đồng thời đẩy hàng trăm nghìn người tại quốc gia Tây Phi này vào cảnh sống tha hương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục