Tòa án Tối cao Mỹ lần đầu xem xét vụ kiện về cung cấp dữ liệu di động

Đây là lần đầu tiên Tòa án Tối cao Mỹ xem xét quyết định có cần yêu cầu cảnh sát phải có giấy phép của tòa án để được cung cấp dữ liệu điện thoại di động của các nghi can hình sự hay không.
Tòa án Tối cao Mỹ lần đầu xem xét vụ kiện về cung cấp dữ liệu di động ảnh 1

Ngày 5/6, các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ đã đồng ý thụ lý đơn kháng cáo của bị cáo Timothy Carpenter, người đã bị kết án trong một loạt vụ cướp có vũ trang tại các bang Ohio và Michigan nhờ vào bằng chứng là các dữ liệu định vị từ điện thoại di động (CSLI).

Đây là lần đầu tiên Tòa án Tối cao xem xét quyết định có cần yêu cầu cảnh sát phải có giấy phép của tòa án để được cung cấp CSLI của các nghi can hình sự hay không.

Trong cuộc điều tra loạt vụ cướp nói trên, cảnh sát đã phát hiện bị cáo Carpenter có mặt gần hiện trường nhờ CSLI mà nhà cung cấp điện thoại của bị cáo đã lưu lại từ trạm điều hướng cuộc gọi địa phương. Bị cáo Carpenter đã bị tòa cấp dưới kết án tù giam liên quan đến 6 vụ cướp có vũ trang.

[Cơ quan an ninh Mỹ thu thập hàng trăm triệu cuộc gọi của người dân]

Trong phiên phúc thẩm, Tòa án phúc thẩm số 6, có trụ sở tại bang Ohio, đã ra phán quyết giữ nguyên bản án trên vì cho rằng không cần giấy phép của tòa để có được các thông tin CSLI. Trong đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao, bị cáo Carpenter cho rằng vì thiếu giấy phép của tòa án, nên các dữ liệu CSLI không thể được coi là bằng chứng kết tội, và vì vậy đây rốt cuộc chỉ là sự tìm kiếm và bắt giữ "vô lý."

Vụ kiện đã được đưa lên Tòa án Tối cao trong bối cảnh người dân Mỹ ngày càng đặt câu hỏi về các hoạt động theo dõi, nghe lén của các cơ quan tình báo và bảo vệ luật pháp, trong khi các nghị sĩ lo ngại về quyền tự do cá nhân vì cảnh sát không cần xin phép tòa trước khi tiếp cận các thông tin CSLI.

Các luật sư về quyền tự do cá nhân cho rằng cảnh sát cần có "lý do chính đáng", dựa vào đó tòa sẽ cho phép tiếp cận CSLI, nhằm tránh những cuộc tìm kiếm phi lý và vi hiến.

Nathan Freed Wessler, một người được ủy quyền đại diện cho bị cáo Carpenter, cho biết vì CSLI có thể cung cấp vô vàn chi tiết về cuộc sống riêng tư của chủ nhân điện thoại, nên cảnh sát cần phải được phép của tòa án để được quyền tiếp cận các thông tin này.

Tuy nhiên, chính phủ viện dẫn một điều khoản trong Đạo luật liên bang về Thông tin lưu trữ, có hiệu lực từ năm 1986, khẳng định không cần lý do chính đáng để được cung cấp CSLI. Thay vì thế, các công tố viên chỉ cần chứng tỏ rằng đây là các "bằng chứng hợp lý" và là "tài liệu thích hợp" cho một cuộc điều tra cụ thể.

CSLI đang ngày càng quan trọng đối với cảnh sát trong việc điều tra hình sự. Chính quyền thường đề nghị và nhận được các thông tin này từ các nhà cung cấp mạng không dây. Cuộc chiến pháp lý hiện nay đã làm dấy lên câu hỏi về việc các nhà mạng sẽ bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng đến mức nào. Mỗi năm, 4 nhà mạng lớn ở Mỹ, gồm Verizon Communications Inc, AT&T Inc, T-Mobile US Inc và Sprint Corp, đã nhận được hàng chục nghìn đề nghị của các cơ quan thực thi pháp luật, yêu cầu cung cấp CSLI, và thường buộc phải đáp ứng.

Trong những năm gần đây, Tòa án Tối cao đã hai lần xem xét các vụ kiện liên quan đến việc áp dụng luật hình sự như thế nào đối với công nghệ mới, trong cả hai vụ kiện, tòa đều ra phán quyết chống lại lực lượng thực thi luật pháp. Năm 2012, tòa phán quyết rằng cần có giấy phép của tòa mới được đặt một thiết bị định vị GPS trên một phương tiện giao thông. Năm 2014, tòa phán quyết rằng cảnh sát cần có giấy phép của tòa mới được tìm kiếm thông tin trong điện thoại di động mà họ thu giữ của nghi can./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục