Các công trình mang tính biểu tượng cùng hàng tỷ người dân trên thế giới đã lần lượt tắt bóng điện vào tối 29/3 (theo giờ các địa phương) để hưởng ứng sự kiện "Giờ Trái Đất" do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức vào tối thứ bảy cuối cùng của tháng Ba hàng năm.
Hơn 7.000 thành phố và thị trấn tại 154 quốc gia đã tham gia "Giờ Trái Đất Xanh 2014."
Cũng như mọi năm, các công trình nổi tiếng trên thế giới tham gia tắt điện Giờ Trái Đất gồm nhà hát Opera, cầu cảng Sydney (Austraylia), Tháp đôi Petronas (Kuala Lumpur, Malaysia), sân vận động Tổ chim (Bắc Kinh, Trung Quốc), Tháp Eiffel (Paris, Pháp), Cổng Brandenburg (Berlin, Đức), Tòa nhà Empire States (New York, Mỹ), Tòa nhà 200 tầng cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Durbai (UAE), Quảng trường Đỏ (Moskva, Nga) hay Tòa thánh Vatican...
Giờ Trái Đất 2014 được bắt đầu tại đảo quốc Fiji, quốc gia ở Thái Bình Dương, vào lúc 20 giờ 30 giờ địa phương.
Sau Fiji, lần lượt các thành phố lớn tại các quốc gia New Zealand, Papua New Guinea, Austraylia, Hàn Quốc, Trung Quốc... đã dần chìm vào bóng tối trong một giờ.
Chiến dịch "Giờ Trái Đất" bắt đầu bảy năm trước đây và đến nay đã trở thành hoạt động quy mô bảo vệ môi trường.
Ông Andy Ridley, Giám đốc và là người sáng lập chiến dịch Giờ Trái Đất toàn cầu, cho biết: “Giờ Trái Đất không chỉ dừng lại ở hành động tắt đèn, mà đây là chiến dịch mà tất cả mọi người trên thế giới cùng đoàn kết, thể hiện họ có thể làm gì và đề ra ý tưởng trong suốt năm để bảo vệ hành tinh."
Nhà khoa học Bjorn Lomborg của Đan Mạch lưu ý rằng trong khi hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới đã thực hiện hành động mang tính biểu tượng là tắt điện trong vòng một giờ mỗi năm thì trên Trái Đất của chúng ta vẫn còn 1,3 tỷ người hàng ngày sống trong cảnh tối tăm không có điện.
Thực tế cho thấy trong các năm qua, chiến dịch Giờ Trái Đất đã tạo nguồn cảm hứng cho một số quốc gia nghiên cứu, triển khai thành công một số dự án có liên quan tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường như Argentina thành lập khu bảo tồn biển 34.000 triệu m2, Uganda trồng 500.000 cây xanh phục hồi rừng, Paraguay ban hành luật cấm khai thác gỗ, lắp đặt đèn năng lượng mặt trời tại ba ngôi làng không có điện ở Ấn Độ.
Tại Nga, 250.000 người đã cam kết bảo vệ vùng rừng và biển của quốc gia.
Năm nay, chiến dịch "Giờ Trái Đất" muốn quyên góp 650.000 USD để tài trợ cho cho một trung tâm nghiên cứu và bảo vệ loài rùa ở Italy và tài trợ cho hoạt động bảo vệ rừng tại Indonessia.
Hưởng ứng Giờ Trái Đất 2014, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên tại Anh (WWF-UK) tổ chức cuộc thi thiết kế poster “sống xanh” thu hút đông đảo các nhà thiết kế, tình nguyện viên trên thế giới tham gia.
Mỗi poster mang đến một thông điệp, ý nghĩa riêng với mục đích truyền cảm ứng đến mọi người hãy tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Tại Nga, điều phối viên các hoạt động trong Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới Tatiana Paeva cho biết: “Năm nay, ở Nga, chúng tôi đã chọn một số dự án bảo tồn bao trùm toàn bộ lãnh thổ đất nước từ Viễn Đông đến vùng Caucasus và Bắc Cực. Đây là các đề án bảo vệ báo và hổ ở vùng Viễn Đông, báo tuyết ở vùng núi Caucasus, gấu Bắc Cực và những động vật khác. Mỗi người dân Nga có thể ủng hộ các đề án bảo vệ những con vật này: bỏ phiếu hoặc hỗ trợ tài chính”./.