Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore) cho biết, trong các nước ASEAN, Việt Nam là nước có tốc độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây (Cloud) giai đoạn 2010-2016 cao nhất.
Thông tin trên được ông Khương đưa ra tại Hội nghị Điện toán Đám mây Việt Nam 2017 do đơn vị này và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức sáng 22/6 tại Hà Nội.
Trích dẫn số liệu khảo sát về ứng dụng Cloud tại trên 500 doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam, ông Khương cho biết, trong các nước ASEAN, Việt Nam có tốc độ tăng chi tiêu cho Cloud trong giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của ASEAN (49,5%) và thế giới (42,5%).
Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, mức chi tiêu Cloud của Việt Nam còn rất thấp (1,7 USD/người trong năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan; và 1,3 lần so với Philippines.
Theo ông Khương, những con số này phản ánh thực tế có nhiều rào cản trong việc thúc đẩy Cloud tại Việt Nam. Trong đó, chi phí đầu tư không phải là trở ngại, mà rào cản đến từ việc dùng phần mềm không bản quyền còn phổ biến, sự thiếu hiểu biết về lợi ích của Cloud, lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin và chất lượng dịch vụ Cloud tại Việt Nam chưa thực sự đảm bảo.
(Biểu đồ so sánh tốc độ chi tiêu cho điện toán đám mây của một số quốc gia trong khu vực và trung bình thế giới được ông Vũ Minh Khương đưa ra tại Hội nghị).
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, Cloud là xu thế công nghệ tất yếu và trở thành công nghệ quan trọng trong thời kỳ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, ông cho rằng bên cạnh mặt tích cực, các nguy cơ tiềm ẩn về an toàn thông tin, tính riêng tư khi dữ liệu được thu thập và xử lý phân tán, tích hợp nhiều tầng dịch vụ với nhiều công nghệ khác nhau cũng là vấn đề đáng lo ngại.
[“Việt Nam có thể đứng trên vai Google để giải bài toán thực tế”]
Lãnh đạo Cục tin học hóa cũng tin tưởng qua hội nghị sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ của các chuyên gia, doanh nghiệp quốc tế trong việc thúc đẩy ngành công nghệ nói chung cũng như lĩnh vực cloud nói riêng.
“Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh lâu dài và thành công,” ông Phúc chốt lại./.
Ông Lê Viết Thanh Luận, Phó Tổng giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế FPT (thuộc FPT Telecom) cho rằng, cho dù có nhiều rào cản nhưng thị trường Việt Nam sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cloud.
“Hiện nay, chi phí đầu tư cho dịch vụ điện toán đám mây trên thế giới có mức tăng trưởng rất ấn tượng. Đến năm 2020, thị phần hạ tầng cloud được dự báo sẽ vượt qua cả hạ tầng trung tâm dữ liệu (data center) truyền thống,” ông Luận nói.
FPT Telecom đang hợp tác với IIJ (Nhật Bản) để cung cấp dịch vụ HI GIO Cloud cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đây là dịch vụ duy nhất trên thị trường được tích hợp dựa trên công nghệ tiên tiến và quy chuẩn khắt khe, độc quyền của IIJ cùng nền tảng hạ tầng, quản trị, kinh nghiệm thị trường của FPT.