Theo số liệu của tổ chức Internet World Stats (Thống kê Internet thế giới), các nước châu Á hiện chiếm đến 49,6% số người dùng Internet toàn cầu, trong khi con số này ở châu Âu chỉ là 17%.
Số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Gartner, năm nay, các công ty dự kiến sẽ chi 3.500 tỷ USD cho công nghệ thông tin, trong đó tập trung nâng cấp phần mềm và dịch vụ thay cho phần cứng. Đặc biệt, Internet kết nối vạn vật (IoT) sẽ là xu hướng trên toàn cầu.
Không nằm ngoài trào lưu này, Việt Nam cũng nhanh chóng chuẩn bị cho thời kỳ bùng nổ của vạn vật kết nối qua Internet.
Xu thế công nghệ tiềm năng
Khái niệm Internet kết nối vạn vật lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1999. Nhưng phải hơn 10 năm sau, thế giới mới nhận thấy ảnh hưởng ngày càng sâu, rộng của xu hướng này.
Sau Hội nghị thế giới về công nghệ thông tin (Internet Protocol version 6 - Giao thức mạng Internet thế hệ 6) lần thứ tư diễn ra tại Pháp vào năm 2014, chủ đề Internet vạn vật mới thực sự phổ biến trên thế giới.
Tại Việt Nam, khái niệm này cũng đã trở thành cụm từ “hot” nhất, được giới công nghệ thông tin nhắc đến nhiều nhất trong mọi sự kiện công nghệ thông tin năm 2016.
Các chuyên gia công nghệ nhận định rằng, trong tương lai, mọi đồ vật sẽ tích hợp phần mềm, cảm biến để có thể kết nối với nhau và tương tác với con người nhằm tạo nên một thế giới vạn vật kết nối Internet. Điều này sẽ làm thay đổi cuộc sống của con người, giúp cuộc sống của chúng ta tiện lợi hơn từ những kết nối thông minh.
Nhận định về xu thế công nghệ trong tương lai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT ông Trương Gia Bình khẳng định: Internet kết nối vạn vật là một xu thế công nghệ đầy tiềm năng. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi chung của toàn cầu.
Hiện nay, FPT đang nghiên cứu một số giải pháp về vạn vật kết nối Internet như thành phố thông minh (smart city); giao thông thông minh (các hệ thống quản lý cơ bản như hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông, hệ thống quản lý container, bảng hiệu thông báo, nhận dạng biển số tự động…), trung tâm điều khiển thiết bị gia đình (smart home), xây dựng nền tảng cung cấp các dịch vụ giải pháp cho vạn vật kết nối…
Đặc biệt, FPT đã triển khai các dự án vạn vật kết nối trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Kết nối Internet đang mở rộng phạm vi, không chỉ giữa con người với nhau, mà còn với thiết bị, quy trình, dữ liệu, giữa các đồ vật với nhau.
Hiện giờ là thời đại của Internet liên kết mọi vật. Giá trị thu được từ các kết nối quan trọng hơn số sự vật được kết nối, bởi nó đem đến cơ hội tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia, phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp, kiếm tiền cho các nhà phát triển, những trải nghiệm vô giá cho người dùng.
Công nghệ và Internet thực sự đã tác động và có sức ảnh hưởng lớn tới mọi ngóc ngách, khía cạnh của cuộc sống cũng như thay đổi thói quen hành vi của con người, của lao động và giải trí, thậm trí cả những quan niệm, giá trị văn hóa.
Tập đoàn Cisco - nhà cung cấp giải pháp và thiết bị công nghệ thông tin cũng cho biết vào năm 1984 (khi Cisco mới thành lập) chỉ có khoảng 1.000 thiết bị được kết nối mạng toàn cầu, đến năm 2010, con số này đã lên tới 10 tỷ.
Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam Lương Thị Lệ Thủy nhấn mạnh đảm bảo an ninh khi công nghệ vạn vật kết nối Internet được triển khai sâu rộng là điều mà các nhà quản lý và các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần tính đến.
Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây là yếu tố quyết định sự thành công khi vận hành. Thời điểm này, Internet kết nối vạn vật đang tạo ra một thị trường mới. Những doanh nghiệp mới, với các mô hình kinh doanh, cách tiếp cận và giải pháp mới sẽ xuất hiện.
Những bước phát triển này sẽ chắc chắn mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu.
Internet thay đổi cách sống hàng ngày
Đại diện Tập đoàn VNPT chia sẻ rằng xu hướng Internet kết nối vạn vật sẽ làm thay đổi cách chúng ta sống hàng ngày.
Hiện VNPT đã triển khai mô hình nông nghiệp thông minh tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông nhằm giúp bà con nông dân cảnh báo dấu hiệu dịch bệnh, thông báo các thời điểm cần bón phân và tưới nước... Đó là những lợi ích thiết thực mà xu hướng này mang lại cho người dân.
Tại Việt Nam, xu hướng Internet kết nối vạn vật đã hình thành làn sóng công nghệ mới, tạo đột phá trong lĩnh vực thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu.
Theo thống kê hiện tại mới có khoảng 11-13 tỷ thiết bị được kết nối, và con người đang trong quá trình tiếp theo để kết nối những gì chưa được kết nối. Do đó có thể khẳng định, tiềm năng của công nghệ Internet kết nối vạn vật là rất lớn.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam chia sẻ xu hướng Internet kết nối vạn vật rất gần gũi với chúng ta trong cuộc sống hàng.
Tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh, người dùng có thể lựa chọn những ứng dụng của xu hướng này để phục vụ cho cuộc sống. Chắc chắn rằng xu hướng này sẽ làm thay đổi cách sống của mọi người trong tương lại không xa...
Theo ước tính của các chuyên gia công nghệ thông tin, cuộc cách mạng Internet kết nối vạn vật sẽ chứng kiến gần 50 tỷ thiết bị được kết nối Internet vào năm 2020, tương đương với việc mỗi người trên thế giới sẽ có 6 thiết bị kết nối.
Việt Nam đang nhanh chóng đẩy mạnh phát triển công nghệ để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một quốc gia số hóa.
Để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin, Việt Nam đã chính thức phê duyệt đề án "Đưa Việt Nam sớm thành nước mạnh về công nghệ thông tin."
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế…
Chính phủ cũng đã cam kết trích 111,6 triệu USD để hỗ trợ ngành công nghệ thông tin và truyền thông đến năm 2020 nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước, quốc tế đầu tư vào Việt Nam.
Nhận thấy xu hướng công nghệ Internet kết nối vạn vật sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn kỹ thuật số, Chính phủ đã kêu gọi các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng xu hướng này để nâng cao hiệu quả kinh doanh, đổi mới và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thông qua các dự án như thành phố thông minh, nhà thông minh, giao thông thông minh.../.