Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,” trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có ít nhất 10 khu bảo tồn được đưa vào danh sách xanh toàn cầu.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đang được đặt ra là một vấn đề cần có sự hành động cấp thiết ở các quốc gia do tình hình suy giảm đa dạng sinh học đang ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe, sự tồn tại và phát triển bền vững của nhân loại.
Chính vì vậy, giai đoạn 2021-2030 được Liên hợp quốc xác định là “thập niên phục hồi các hệ sinh thái.”
Trong xu thế hội nhập hiện nay, Việt Nam cũng cần phải có những hành động chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học và thực thi các nghĩa vụ quốc tế.
[Cá heo hồng xuất hiện ở Đồ Sơn cho thấy môi trường biển đang cải thiện]
Với tầm quan trọng đó, dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo vệ và phục hồi; tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt tối thiểu 9% diện tích lãnh thổ; có thêm 12 khu bảo tồn biển, 5 khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập mới và đi vào hoạt động.
Đặc biệt, dự thảo đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ có ít nhất 10 khu bảo tồn được đưa vào danh sách xanh toàn cầu; tăng số lượng các khu vực đạt danh hiệu quốc tế so với năm 2020 là 6 khu Ramsar, 6 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, 5 Vườn di sản ASEAN.
Ngoài ra, dự thảo cũng hướng đến mục tiêu phục hồi 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ, phục hồi rạn san hô…
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, dự thảo đưa ra các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế quản lý; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; bảo đảm nguồn lực tài chính và tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học../.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2020, trên cả nước đã thành lập mới 9 khu bảo tồn, nâng tổng số khu bảo tồn hiện có lên 176 với tổng diện tích hơn 2,5 triệu hécta; 12 khu bảo tồn biển đã được thành lập. Ngoài ra, đã thành lập 3 hành lang đa dạng sinh học tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị với tổng diện tích hơn 521.878 hécta. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã đề cử và công nhận thêm 4 khu Ramsar, nâng tổng số khu Ramsar được quốc tế công nhận lên 9 khu; có thêm 5 Vườn di sản ASEAN, qua đó nâng tổng số 10 khu Vườn di sản ASEAN; thêm 1 khu dự trữ sinh quyển thế giới, nâng tổng số 9 khu được công nhận. |