Tồn kho đường không phải do nhập các chất tạo ngọt thay thế

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguyên nhân chính của tình trạng tồn kho đường không phải là do các chất tạo ngọt được nhập thay thế.
Kho chứa sản phẩm tại nhà máy đường Thành Thành Công Tây Ninh. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Trước thông tin trên các phương tiện truyền thông gần đây xuất hiện một lượng đường “lạ” (chất ngọt thay thế) được nhập vào Việt Nam, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết tại Việt Nam, chất ngọt thay thế đã được sử dụng trong nước nhiều năm nay nhưng xu hướng tiêu dùng chưa nhiều.

Tuy nhiên, do các chất ngọt này có độ ngọt cao hơn đường nên có tác động đến ngành đường nhưng không nhiều.

Đường được sản xuất từ hai loại sản phẩm chính là mía và củ cải đường. Tuy nhiên, song song với việc dùng đường từ mía và củ cải đường, xu thế của ngành công nghiệp thực phẩm ở một số nước đã dùng chất ngọt thay thế cho đường. Chất ngọt thay thế được tinh chế từ ngô hay các cây trồng khác, chủ yếu từ ngô, như siro fructose, saccharin.

[Trẻ bị béo phì nếu mẹ nạp nhiều chất ngọt nhân tạo trong thai kỳ]

Ông Phạm Quốc Doanh cho biết trên thế giới, các nước hiện vẫn có những quan điểm khác nhau về việc sử dụng chất tạo ngọt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ của các chất ngọt thay thế cường độ cao đang có xu hướng tăng và tăng nhanh hơn so với đường. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng sử dụng đường 2%/năm, trong khi chất tạo ngọt từ 3-4%. Như vậy, nhu cầu sử dụng chất ngọt thay thế đường để sản xuất thực phẩm đang tăng.

Theo ông Phạm Quốc Doanh, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng chưa đánh giá chất tạo ngọt sẽ là điều quan ngại cho ngành đường trong tương lai vì còn phụ thuộc vào xu thế của người tiêu dùng. Nhưng đây cũng là vấn đề cần lưu tâm trong sản xuất kinh doanh.

“Chất lượng từ chất tạo ngọt đang còn nhiều tranh cãi, nhưng trong tương lai thì trong ngành thực phẩm sẽ cần phải ghi chú rõ là đường hay chất tạo ngọt để người tiêu dùng có thể lựa chọn,” ông Doanh nói.

Các chất tạo ngọt thay thế cũng bị áp thuế theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối; Thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Hiện, lượng đường tồn kho trong nước đang khá cao, cao nhất so với hai năm gần đây với số lượng trên 748.200 tấn, chiếm gần 55% so với lượng đường sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Doanh, nguyên nhân chính của tình trạng tồn kho đường không phải là do các chất tạo ngọt thay thế.

Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, hầu hết các nhà máy đường vào vụ ép chậm nhưng không liên tục phải nghỉ giữa chừng nên sản lượng đường sản xuất ra dồn vào cuối vụ.

Đầu niên vụ 2016/2017, tồn kho đường đã ở mức cao, lên đến trên 479.900 tấn do đường tồn kho từ sản xuất, từ nguồn nhập khẩu mở rộng hạn ngạch thuế quan và nhập khẩu hạn ngạch thuế quan.

Đặc biệt do chênh lệch giữa giá tiêu thụ trong nước và giá đường nhập lậu năm nay khá cao từ đầu vụ (từ 1.000-2.000 đồng/kg) nên số lượng đường nhập lậu cũng tăng cao ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục