Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn tham dự Cuộc họp toàn cầu về khí hậu

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách, chiến lược quốc gia… nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Từ ngày 25-26/3, tại New York (Mỹ), Đoàn đại biểu Kiểm toán Nhà nước Việt Nam do Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn dẫn đầu đã tham dự Cuộc họp toàn cầu về "Sự tham gia của các Cơ quan Kiểm toán Tối cao (SAI) trong việc đánh giá các hành động quốc gia về khí hậu."

Sự kiện do Tòa Thẩm kế Liên bang Brazil - Chủ tịch Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán Tối cao (INTOSAI) nhiệm kỳ 2022-2025 và Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (UNDESA) đồng tổ chức.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cùng tham gia phiên khai mạc của cuộc họp.

Cuộc họp toàn cầu do ông Bruno Dantas - Chủ tịch Tòa thẩm kế Liên bang Brazil, và ông Navid Hanif - Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về phát triển kinh tế, đồng chủ trì.

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các SAI từ hơn 60 nước trên thế giới; đại diện các tổ chức liên chính phủ; các cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc…

ttxvn_kiem toan nha nuoc 3.jpg
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn tham dự Cuộc họp. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Chủ tịch Tòa thẩm kế Liên bang Brazil khẳng định giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ là trách nhiệm chung của các quốc gia mà là trách nhiệm của các SAI khi các cơ quan này giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy hành động của các chính phủ để đối phó với biến đổi khí hậu.

Sáng kiến ClimateScanner trong khuôn khổ Kế hoạch Chiến lược Giai đoạn 2023-2030 và Kế hoạch Hoạt động Giai đoạn 2023-2025 của Nhóm công tác Kiểm toán Môi trường của INTOSAI (INTOSAI WGEA) được coi là một dự án đầy tham vọng có thể góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu ở cả cấp quốc gia và quốc tế.

Năm 2023, 17 SAI đã tập trung phát triển công cụ ClimateScanner. Tuy nhiên, thành công của dự án này cần sự chung tay và tham gia nhiệt tình của các SAI và hy vọng các đại biểu hiểu được công cụ và các khía cạnh liên quan một cách chi tiết cũng như những lợi ích SAI và quốc gia nhận được để có thể phát huy hết tiềm năng của dự án này.

Cuộc họp kéo dài 2 ngày gồm 8 phiên với các nội dung chuyên môn về: Các sáng kiến hiện tại của INTOSAI về biến đổi khí hậu; Sáng kiến ClimateScanner: Tìm hiểu về khuôn khổ và ứng dụng sáng kiến; Đánh giá quản trị khí hậu quốc gia; Đánh giá các hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu: Cam kết, chiến lược và thực hiện; Đánh giá các hành động thích ứng với khí hậu: Tính dễ bị tổn thương, lập kế hoạch và thực hiện; Đánh giá tài chính và tài nguyên khí hậu ở cấp quốc gia; Thông tin về hành động khí hậu quốc gia; Triển khai Sáng kiến ClimateScanner: Lời kêu gọi toàn cầu và kế hoạch tương lai.

Trong ngày họp đầu tiên, các SAI tham dự được hướng dẫn cách sử dụng công cụ Climate Scanner tại mỗi quốc gia để có thể tiến hành các đánh giá, ghi nhận kết quả. Kết quả trên sẽ được trình bày tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP 29) vào cuối năm 2024.

Dự án nhằm phát triển và phổ biến phương pháp đánh giá nhanh mang tính đổi mới và công cụ đánh giá hành động của các chính phủ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu theo 3 trụ cột: quản trị nhà nước, chính sách công và tài chính.

Trụ cột quản trị nhà nước bao gồm các khía cạnh thể chế liên quan đến giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong khi trụ cột chính sách công đề cập đến các khía cạnh giảm thiểu và thích ứng theo cách cụ thể và chi tiết hơn.

Trụ cột về tài chính đề cập đến nguồn tài chính địa phương, quốc gia hoặc xuyên quốc gia - được lấy từ các nguồn tài chính công, tư nhân… - nhằm hỗ trợ các hành động giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu như được định nghĩa trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Các đại biểu đã trình bày về những vấn đề mới nổi trong quản trị khí hậu tại các quốc gia và thảo luận về việc ứng dụng công cụ trong bối cảnh từng nước, từ đó các SAI sẽ đưa ra lộ trình cụ thể để áp dụng thí điểm công cụ này trong thời gian tới.

ttxvn_kiem toan nha nuoc 2.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn (thứ ba, từ phải sang) tham dự Cuộc họp. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Nhận thức được Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng chia sẻ với một số SAI về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách, chiến lược quốc gia… nhằm ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của INTOSAI và Ban Điều hành Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán Tối cao châu Á (ASOSAI) giai đoạn 2021-2024, đồng thời thực hiện cam kết tại Tuyên bố Hà Nội với trọng tâm là “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững," trong những năm qua, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chú trọng và triển khai thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường được xã hội quan tâm hoặc lồng ghép nội dung kiểm toán liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các cuộc kiểm toán thường niên của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.

Cũng trong ngày 25/3, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã cùng Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tham dự Phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lấy ngày 11/6 hàng năm là Ngày Quốc tế Vui chơi. Đây là nghị quyết do Việt Nam chủ trì đề xuất với 138 nước đồng bảo trợ và đã được thông qua bằng đồng thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục