Tổng thống Donald Trump công bố dự thảo ngân sách đầy đủ đầu tiên

Theo dự thảo ngân sách được công bố ngày 23/5, ông Donald Trump đề xuất tăng 10% ngân sách cho Lầu Năm Góc, tức hơn 50 tỷ USD so với mức ngân sách cơ sở năm 2017.
Tổng thống Donald Trump công bố dự thảo ngân sách đầy đủ đầu tiên ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Washington, DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố dự thảo ngân sách đầy đủ đầu tiên của mình với mức cắt giảm lên tới 3.600 tỷ USD trong 10 năm tới nhằm đảm bảo cân bằng ngân sách liên bang, tuy nhiên chi tiêu cho quốc phòng vẫn tăng mạnh.

Theo dự thảo ngân sách được công bố ngày 23/5, ông Donald Trump đề xuất tăng 10% ngân sách cho Lầu Năm Góc, tức hơn 50 tỷ USD so với mức ngân sách cơ sở năm 2017. Tuy nhiên, con số này chỉ nhiều hơn 3% so với các đề xuất mà chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama từng đưa ra. Cụ thể, ngân sách quốc phòng được đề xuất cho tài khóa 2018 là 574 tỷ USD trong thời bình, thêm 65 tỷ USD chi tiêu bổ sung trong trường hợp xảy ra chiến tranh, tức là tổng cộng 639 tỷ USD.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành dự luật ngân sách liên bang]

Tháng Hai vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã cam kết "chi cho quân đội nhiều nhất trong lịch sử Mỹ," song các nhân vật "diều hâu" ngay trong đảng Cộng hòa vẫn cho rằng mức tăng mà Tổng thống đề xuất trên vẫn còn chưa đủ.

Thượng nghị sỹ John McCain cảnh báo đề xuất này sẽ "chết yểu" ngay khi đưa ra Quốc hội Mỹ thảo luận. Ông McCain nhận định rằng sau nhiều năm cắt giảm ngân sách trong bối cảnh các mối đe dọa gia tăng trên thế giới, mức ngân sách này sẽ không cung cấp đủ các nguồn lực cần thiết để khôi phục độ sẵn sàng của quân đội Mỹ, xây dựng lại các năng lực quân sự và làm mới các ưu thế quân sự của Mỹ bằng việc đầu tư vào các năng lực hiện đại.

Ngoài tăng ngân sách cho quốc phòng, các lĩnh vực khác bị cắt giảm mạnh như Bộ Ngoại giao, Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) và một loạt chương trình an sinh xã hội, hướng tới việc "thắt lưng buộc bụng" 3.600 tỷ USD trong vòng 10 năm. Đây được xem là nỗ lực đầu tiên của Tổng thống Donald Trump nhằm đưa việc chi tiêu ngân sách liên bang vào tầm kiểm soát và trở lại tình trạng cân bằng trong một thập kỷ.

Cụ thể, ngân sách cho Bộ Ngoại giao và Chương trình viện trợ Mỹ (USAID) trong tài khóa 2018 sẽ bị cắt giảm 30%, xuống còn gần 38 tỷ USD. Mức cắt giảm sâu nhất được đề xuất là của các chương trình viện trợ nước ngoài và các khoản đóng góp của Mỹ cho các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và ngân sách dành cho lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Tuy nhiên, ngân sách dành cho cuộc chiến chống khủng bố và các chiến dịch chống tội phạm quốc tế có tổ chức được tăng mạnh, trong đó 5,6 tỷ USD được đề xuất chi cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết mức cắt giảm trên phản ánh rõ chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump. Ông Tillerson cam kết sẽ ưu tiên cho sự thịnh vượng của người Mỹ, tăng cường an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh biên giới và tăng cường các lợi ích kinh tế của Mỹ.

Với tên gọi "Một nền tảng mới cho sự vĩ đại của nước Mỹ," dự thảo ngân sách mới đặt mục tiêu loại bỏ thâm hụt ngân sách trước năm 2028 nhờ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cắt giảm mạnh chi tiêu cho Medicaid (chương trình hỗ trợ chăm sóc y tế cho người có thu nhập thấp và người tàn tật).

Chánh Văn phòng quản lý và ngân sách của Nhà Trắng Mick Mulvaney cho biết chính quyền sẽ ưu tiên cho lợi ích của người đóng thuế hơn là cho những người cần được trợ giúp. Cụ thể, chi tiêu cho Medicaid sẽ bị cắt giảm hơn 800 tỷ USD trong 10 năm, trong khi Chương trình hỗ trợ lương thực phụ trợ, vốn giúp cho khoảng 44 triệu người Mỹ, cũng sẽ bị cắt giảm 193 tỷ USD. Ngân sách cho EPA trong tài khóa 2018 giảm 30%. Nếu tính cả lạm phát, đây sẽ là mức chi thấp nhất của Mỹ cho việc bảo vệ môi trường kể từ giữa những năm 1970.

Bên cạnh các khoản chi ngân sách, Tổng thống Donald Trump cũng đề xuất biện pháp tăng thu ngân sách bằng cách bán một nửa lượng dầu trong kho Dự trữ dầu chiến lược (SPR), vốn được tạo ra trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970.

Lập luận được đưa ra là sản lượng dầu của Mỹ đã tăng và lượng dầu nhập khẩu từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm mạnh so với những năm 1970, vì vậy việc cắt giảm SPR vẫn đảm bảo cho lĩnh vực này trong thời kỳ khủng hoảng. Nếu đề xuất trên được chấp nhận, thu ngân sách Mỹ dự kiến sẽ tăng gần 17 tỷ USD đến năm 2027. Đề xuất này bị cho là không phù hợp trong bối cảnh giá dầu hiện nay tương đối thấp.

Giới chuyên gia nhận định đề xuất ngân sách trên sẽ có thể vấp phải sự phản đối của cả hai đảng trong Quốc hội và dự báo sẽ bắt đầu những cuộc tranh cãi mới. Các nghị sỹ đảng Cộng hòa đang kiểm soát Quốc hội sẽ quyết định có áp dụng chính sách cắt giảm khá nhạy cảm về chính trị như đề xuất nói trên hay không.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tăng từ mức 1,6% trong năm 2016 lên 3% vào năm 2021 và sẽ duy trì mức này trong gần một thập kỷ nhờ các cuộc cải cách về thuế và quy định. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ hoài nghi về mức dự báo trên và dự báo con số này sẽ chỉ duy trì ở mức 1,9% trong 10 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục