Tổng thống Đức dự lễ kỷ niệm kết thúc Thế giới thứ nhất tại Anh

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã cùng Thủ tướng Anh Theresa May tham dự buổi lễ kỷ niệm tại Đài tưởng niệm chiến tranh Cenotaph ở thủ đô London.
Tổng thống Đức dự lễ kỷ niệm kết thúc Thế giới thứ nhất tại Anh ảnh 1Thái tử Charles và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (phía sau) tại lễ tưởng niệm. (Nguồn: Reuters)

Mặc dù không tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất tại thủ đô Paris cùng các nhà lãnh đạo thế giới, song ngày 11/11, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã cùng Thủ tướng Anh Theresa May tham dự buổi lễ kỷ niệm tại Đài tưởng niệm chiến tranh Cenotaph ở thủ đô London.

Ông Steinmeier là nhà lãnh đạo Đức đầu tiên tham dự lễ kỷ niệm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất tại Anh.

Đúng 11 giờ 00 (giờ địa phương), thời khắc Hiệp định đình chiến khép lại một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại cách đây 100 năm chính thức bắt đầu có hiệu lực, hàng triệu người dân trên khắp nước Anh đã dành 2 phút mặc niệm để tưởng nhớ hơn 18 triệu sinh mạng đã bị cướp đi trong cuộc chiến tranh này.

[Các nhà lãnh đạo thế giới dự lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến thứ nhất]

Tại thủ đô London, phút mặc niệm được đánh dấu bằng tiếng chuông đồng hồ Big Ben ngân vang. Kể từ khi bắt đầu quá trình tu sửa từ tháng 8/2017, tháp đồng hồ vốn là biểu tượng của nước Anh này ít khi rung chuông trừ những sự kiện trọng đại của đất nước.

Thay mặt Nữ hoàng Elizabeth II, Thái tử Charles đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Cenotaph, dưới sự chứng kiến của Nữ hoàng từ một ban công gần đó. Tiếp đó, Tổng thống Đức cũng đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Cenotaph. Đây được coi là hành động mang tính biểu tượng cao, đánh dấu sự hòa hợp giữa hai nước từng ở hai đầu chiến tuyến.

Các nhà ngoại giao, quân sự, chính trị cấp cao cùng các cựu chiến binh cũng đã tới tưởng nhớ những người lính hy sinh trong trận chiến khốc liệt từ năm 1914-1918.

Chiến tranh Thế giới thứ nhất, bắt nguồn từ mâu thuẫn lợi ích giữa các đế quốc lớn ở châu Âu, mở đầu ngày 28/7/1914, khi đế quốc Áo-Hungary tuyên chiến với Serbia. Dù trên lý thuyết đây là cuộc cạnh tranh giữa hai khối quân sự kình địch gồm khối liên minh trung tâm Đức-Áo-Hungary và khối Hiệp ước Anh-Pháp-Nga, với các đế quốc lớn như Anh, Đức, Pháp, Đức, Nga, đế chế Áo-Hungary và Ottoman (tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), song trên thực tế, gần 70 nước đã bị lôi kéo vào cuộc chiến dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có Italy năm 1915 và Mỹ năm 1917. Tổng cộng có tới trên 800 triệu người, tức hơn một nửa dân số thời kỳ đó ở các nước được coi là tham chiến.

Từ 20 triệu người được các bên tham chiến huy động lúc chiến tranh bùng nổ, khi xung đột leo thang và lan rộng, con số đã tăng nhiều lần, lên tới 70 triệu người. Đông nhất là Đức, 13 triệu người, tiếp đó là Áo-Hungary 9 triệu, bằng với số quân của Anh (bao gồm cả quân từ các thuộc địa, phần lớn là Ấn Độ). Đây cũng là lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng quy mô lớn khi lực lượng Đức dùng khí chlorine tấn công tại Bỉ năm 1915.

Ước tính, cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của hơn 18,6 triệu người và khiến khoảng 60 triệu người bị thương trong khi số tiền mà các nước tham chiến chi phí cho cuộc chiến lên tới con số 85 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.